Lão nông làm lâm nghiệp ở Lai Châu
Từ niềm đam mê và tình yêu thương với màu xanh của rừng, một nông dân ở Lai Châu đã từ bỏ nghề khai thác đá, chuyển sang nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng. Được tiếp sức, cánh rừng mà ông nhận khoán chăm sóc, bảo vệ nhanh chóng hồi sinh theo năm tháng và ngày càng phát triển xanh tốt.
Người mà chúng tôi nhắc đến, đó là ông Nguyễn Xuân Oanh, ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Qua câu chuyện với ông Oanh, được biết: Ông Oanh sinh ra và lớn lên ở một làng quê yên bình thuộc tỉnh Ninh Bình. Năm 2006, ông Oanh rời nơi "chôn rau cắt rốn" lên Lai Châu lập nghiệp, với nghề khai thác đá. Ông chuyên khai thác đá thuê cho các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó có mỏ đá ở Thôn Thống Nhất. Mỏ đá này nằm đối diện với khu rừng phòng hộ ở thôn Thống Nhất.
"Khu rừng này khi ấy rất đẹp, có nhiều cây gỗ to, thẳng tắp. Cứ mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại vào đó chơi. Không lâu sau, khu rừng này thưa dần bởi những cây gỗ to lần lượt bị chặt hạ bởi một số người dân trong vùng. Chứng kiến cánh rừng bị "chảy máu" mỗi ngày, tôi cảm thấy rất xót xa. Và ý tưởng khoanh nuôi, tái sinh rừng trong tôi cũng nảy sinh từ đó" – ông Oanh nhớ lại.
Nhấp ngụm trà nóng, ông Oanh tiếp tục kể: "Năm 2009, tôi đến gặp Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ để xin nhận khoanh nuôi tái sinh cánh rừng này. Lúc đầu ông ấy (Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ - PV) không mấy tin tưởng. Sau vài lần thuyết phục, ông ấy mới giao cho tôi làm thử một năm. Đến năm 2010, tôi mới được ký hợp đồng khoán khoanh nuôi tái sinh hơn 23ha rừng trồng kết hợp với chăm sóc, bảo vệ gần 200ha rừng tự nhiên. Theo biên bản kiểm đếm, lúc bấy giờ trên diện tích hơn 23ha rừng đó, có khoảng 4000 gốc cây tái sinh và 64 cây gỗ có đường kính từ 14 – 25cm".
Theo ông Oanh, thời gian đầu nhận khoanh nuôi tái sinh cánh rừng đang bị "chảy máu" nghiêm trọng, ông gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Thế nhưng với tình yêu rừng vô bờ bến, ông Oanh đã từng bước giải quyết triệt để những khó khăn đó.
Ông Oanh bỏ tiền ra mua hơn 1,7 vạn cây giống (xoan, lát, mỡ...) về trồng vào những chỗ đất trống và thuê người đổ trụ bê tông, quây thép gai xung quanh ngăn ngừa trâu bò vào phá hoại. Trước sự chăm sóc, bảo vệ của ông Oanh, cánh rừng dần phục hồi và ngày càng phát triển xanh tốt.
Tập thể vì rừng trên đất Lai Châu
Năm 2014, nhận thấy một mình không thể quán xuyến được diện tích rừng lớn như thế, ông Oanh đã vận động một số người dân ở thôn Thống Nhất tham gia bảo vệ rừng. Và rổi, Hợp tác xã Xuân Oanh, với ngành nghề chính là trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, do ông làm giám đốc, được thành lập từ đó, với tổng số 13 thành viên. Đến nay, Hợp tác xã còn 8 thành viên. Hợp tác xã ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với Ban Quản lý rừng phòng hộ theo từng năm một.
Dưới sự hướng dẫn của ông Oanh, các thành viên trong Hợp tác xã thường xuyên đi tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hằng năm, được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, các thành viên trong Hợp tác xã càng thêm quyết tâm giữ rừng. Các thành viên trong Hợp tác xã Xuân Oanh không tiếc công sức phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, tuần tra, bảo vệ rừng. Được chăm sóc, bảo vệ, diện tích rừng mà Hợp tác xã nhận khoán ngày càng xanh tốt. Mỗi năm, Hợp tác xã được chi trả hàng trăm triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.