Các doanh nghiệp ở An Giang thu mua gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG LÊ. |
Những ngày đầu tháng 8, các tỉnh ĐBSCL thu hoạch rộ lúa hè thu. Song, nông dân đối mặt với nhiều khó khăn, cần bán lúa trong bối cảnh các địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Câu chuyện tiêu thụ lúa đang thành chủ đề nóng, nhất là khi Bộ NN-PTNT đề xuất thu mua tạm trữ lúa quốc gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ và kích cầu sản xuất.
Nóng lòng chờ bán lúa
“Chới với, hụt hẫng”, là nỗi niềm của hàng ngàn nông dân ĐBSCL hiện nay khi thu hoạch rộ lúa hè thu, bởi nhiều hộ chờ bán mà không thấy thương lái đến mua.
Tại An Giang, một số nông dân chấp nhận giảm giá lúa nhưng thương lái vẫn bỏ luôn tiền đặt cọc và không quay lại. “Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cũng đang khó khăn đầu ra, giá gạo xuất khẩu lại giảm. Việc các DN hạn chế thu mua gạo khiến thương lái không có nơi tiêu thụ nên họ không thu mua lúa của nông dân”, giám đốc một DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết. Giá lúa nhiều nơi giảm xuống còn 4.500-5.500 đồng/kg (giảm 500-1.500 đồng/kg so với vụ đông xuân).
Theo Bộ NN-PTNT, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 600.000ha lúa hè thu, còn khoảng 900.000ha sẽ thu hoạch trong tháng 8 và 9-2021. Trong cuộc họp trực tuyến mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam không giấu được lo lắng trước tình trạng nông dân thu hoạch lúa nhưng không có thương lái thu mua, không biết tích trữ ra sao. Đây là vấn đề khó, cần nhanh chóng giải quyết. Vì vậy, bộ có ý kiến đề xuất Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa quốc gia để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục canh tác, đảm bảo kế hoạch gieo trồng các vụ tiếp theo.
Thống kê cho thấy, diện tích lúa ĐBSCL còn 900.000 ha đang thu hoạch, ước sản lượng khoảng 5 triệu tấn lúa (tương đương 2,2 triệu tấn gạo). “Việc Bộ NN-PTNT đề xuất mua lúa tạm trữ là phù hợp bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tôi hơi phân vân về phương án làm sao cho hiệu quả”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết.
Theo ông Phạm Thái Bình, việc mua theo kênh dự trữ quốc gia cần lưu ý một số vấn đề, trong đó có quy định DN phải đấu thầu gói thu mua theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đang giãn cách xã hội thì việc tham gia đấu thầu là rất khó.
Đóng gói gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tại Nhà máy Vinarice ở Đồng Tháp. Ảnh: HOÀNG LÊ. |
Để DN tham gia mua lúa của nông dân
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tạo được ấn tượng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Chất lượng hạt gạo của Việt Nam được nhiều nước ghi nhận theo hướng tích cực. Có lúc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiệm cận với giá gạo Thái Lan. Tuy nhiên, thời gian qua cũng xuất hiện một số hoạt động thiếu minh bạch trong xuất nhập khẩu gạo. Theo một số chuyên gia lúa gạo, giá lúa hè thu giảm và ùn ứ hiện nay là sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, việc các DN trong nước nhập lúa gạo từ Campuchia và Ấn Độ thời gian qua được ví von chẳng khác nào “chở củi về rừng”.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, phân tích, các DN khó mua lúa giá cao như vụ đông xuân, vì Ấn Độ đang xả kho dự trữ gạo theo chu kỳ bán gạo cũ để mua gạo mới vào kho. Vì vậy, phương án thu mua lúa tạm trữ trong bối cảnh khó khăn hiện nay là cần thiết. Song, cần tập trung giúp nông dân trong các HTX sản xuất tạm trữ lúa.
Theo đó, Nhà nước hoặc DN ứng trước cho nông dân trong HTX vừa thu hoạch lúa một phần tiền, để họ trữ lúa tại nhà, nhưng vẫn có tiền trang trải chi phí thiết yếu. Hoặc DN có thể mua tạm trữ và ứng trước một phần cho nông dân; khi xuất khẩu gạo thì trả phần còn lại.
Một phương án mang tính “đối phó” nhưng khả thi hiện nay, là để DN xuất khẩu gạo tham gia mua lúa của nông dân dự trữ chờ thời điểm thích hợp sẽ xuất khẩu. Về cơ bản, khó có DN xuất khẩu nào lấy vốn ngân hàng đã cấp hạn mức hàng năm để mua lúa dự trữ, vì DN đã mua đâu vào đấy. Do vậy, rất cần Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng giải quyết nguồn vốn cho DN mua lúa của dân tạm trữ thì mới khả thi. Phía DN tự chịu trách nhiệm lãi, lỗ trong kinh doanh”, ông Phạm Thái Bình đề xuất.
Cùng với việc tạm trữ, các DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho rằng, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để thương lái di chuyển và thu mua lúa cho nông dân. Trên cơ sở các địa phương tổ chức đội, nhóm thu hoạch lúa đến đâu thì liên kết với thương lái thu mua đến đó; tất cả đảm bảo phòng chống dịch theo quy định.
Dán mác chuyên nghiệp, đóng túi 5-10kg Theo một số DN, hầu hết gạo Việt Nam dạng túi 5-10kg chưa vào được các siêu thị bán cho người dân châu Âu, Hoa Kỳ… do chưa đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường này. Những loại gạo đóng túi 5, 10, 50 và 100kg chủ yếu tiêu thụ khu vực có người dân châu Á. Còn những gạo túi nhỏ đang bán cho thương nhân nước ngoài dưới bao bì của họ, nhưng số lượng không nhiều. Một khó khăn khác, các DN Việt Nam chưa có văn phòng đại diện, cửa hàng tại các thị trường lớn. Việc xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác của DN Việt Nam tại thị trường EU, Hoa Kỳ… là rất khó. Ban đầu, DN phải thỏa thuận hợp đồng với các siêu thị ở các nước nhập khẩu để đưa hàng lên bán. Được đưa lên kệ, các siêu thị lập tức quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam để đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, đó là cách siêu thị nước ngoài “thăm dò” sự hài lòng của người mua. Nếu doanh số bán hàng tăng lên, người tiêu dùng chấp nhận, siêu thị sẽ đề cập với DN Việt Nam đóng gói, bao bì, nhãn mác siêu thị nhưng gạo vẫn của công ty. Nếu đóng gói cho siêu thị mà công ty vẫn bán song song là rất khó; bởi siêu thị có thể hạ giá thấp hơn để cạnh tranh. Do vậy, các DN Việt Nam chỉ gia công, đóng gói nhãn mác của DN nhập khẩu vẫn là kế sách ổn định. Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích, để xuất khẩu được gạo chất lượng cao sang thị trường khó tính, nông dân khi canh tác cần đáp ứng theo tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thay vào đó sử dụng phân bón vi sinh. Nhằm đảm bảo chất lượng gạo ổn định, các DN cần liên kết với HTX tại vùng sản xuất để giảm các khâu trung gian, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. |