|
  • :
  • :

Sức bật ở xã nghèo Ayun

Từ một xã nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh, những năm gần đây, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Có được kết quả này là nhờ sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong việc tập trung mọi nguồn lực, đưa xã Ayun phát triển. Đặc biệt, nhờ công trình thủy lợi Pleikeo đưa nước về ruộng, giúp người dân canh tác lúa 2 vụ, từ đó tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Thông qua các lớp tập huấn, người dân xã Ayun đã biết cách áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thùy Dung

Bên mái nhà rông làng, già làng Đinh A Nhu (làng A Chông), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ayun cho biết: “So với trước kia, đời sống của người dân hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, Ayun là vùng căn cứ cách mạng. Sau chiến tranh, người dân phải từng bước khôi phục lại nền kinh tế và khắc phục những tàn dư do chiến tranh để lại, nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Ayun có khí hậu nắng nóng quanh năm, vô cùng khắc nghiệt. Vì thiếu nước tưới, nên người dân không thể làm lúa 2 vụ, mà chỉ trồng được các loại cây ngắn ngày theo hình thức chọc trỉa, nên năng suất rất thấp, vẫn còn đói ăn vào mùa giáp hạt”.

Toàn xã Ayun với hơn 97% là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đa số là người Jrai và Bahnar. Theo thống kê của UBND xã Ayun, năm 2016, toàn xã có trên 75% là hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,52 triệu đồng/người. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cấp 2 lên cấp 3, học nghề... chỉ chiếm 23%; 14,9% hộ dân trong xã là nhà dột nát...

Để giúp Ayun vươn lên thoát nghèo, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã tập trung nhiều nguồn lực, chương trình, dự án như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)... Trong đó, “cú hích” quan trọng đưa xã Ayun phát triển chính là tiếp tục được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Pleikeo tại xã Ayun do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo khi đến thăm Ayun trong chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai vào tháng 4-2017.

Được sự quan tâm của Tổng Bí thư, công trình thủy lợi Pleikeo đã từng bước được hoàn thành, giúp người dân đưa nước về ruộng, mở rộng diện tích lúa 2 vụ, tạo tiền đề để thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển. Nếu trước đây, diện tích gieo trồng của toàn xã chỉ khoảng 35 - 40ha thì vụ đông xuân năm 2020-2021 đã tăng lên 107ha. Trưởng thôn Kpă Gôn, làng Vơng Chép cho biết: “Có nước dẫn về ruộng, người làng phấn khởi lắm. Nhờ có nguồn nước, các hộ đều chăm chỉ làm ăn, trồng lúa 2 vụ để phát triển kinh tế. Vụ đông xuân vừa rồi, năng suất tăng cao, nhiều nhà đã thu được sản lượng lớn, nhờ vậy mà có thêm thu nhập”.

Cũng trong năm 2017, huyện Chư Sê đã thành lập đề án phát triển KT-XH và xây dựng NTM cho xã Ayun giai đoạn 2017-2020, với kinh phí hơn 44 tỷ đồng. Trong giai đoạn qua, đề án đã hỗ trợ giống lúa, giống cây ăn quả, cây điều, phân bón cho nông dân; hỗ trợ 25 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất nhằm giảm công sức lao động của nhân dân; hỗ trợ 142 chiếc thuyền, 710 tấm lưới đánh bắt cá; 235 con bò cái giống; mở 12 lớp tập huấn kỹ thuật cho 600 học viên về cây trồng, vật nuôi. Ngoài các loại cây trồng chủ lực, giai đoạn vừa qua, đề án đã mở rộng thêm được 30,5ha cây ăn quả.

Anh Đinh Huơl, Trưởng thôn, kiêm Bí thư Chi bộ làng Keo cho biết: “Ngày trước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Từ khi xây dựng NTM, đời sống người dân được quan tâm hơn, trẻ con được đến lớp đầy đủ. Các cán bộ về làng giúp người dân xây dựng các mô hình nuôi bò, nuôi gà, người dân được hỗ trợ giống cây trồng để phát triển kinh tế. Năm 2019, nhờ có công trình thủy lợi đưa nước về mà bà con có điều kiện làm lúa hai vụ, năng suất cũng nhờ đó tăng lên, tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm, toàn làng Keo chỉ còn 17/174 hộ nghèo”.

Chia sẻ về sự phát triển của Ayun, bà Phạm Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: “Hiện tại, cơ sở hạ tầng ở xã Ayun đã được đầu tư đồng bộ, kênh mương nội đồng đưa nước về ruộng, giúp người dân mở rộng diện tích canh tác. Nhờ vậy, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 13,8%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế để giúp người dân vươn lên phát triển. Chúng tôi cũng mong Nhà nước đầu tư thêm hệ thống kênh mương nội đồng, phát huy công suất của thủy lợi Pleikeo để bà con mở rộng sản xuất lúa 2 vụ”.

Rmah H,Bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nhấn mạnh: “Xã Ayun được biết đến là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê và tỉnh Gia Lai. Với gần 100% là người đồng bào DTTS, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục dồn mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/suc-bat-o-xa-ngheo-ayun.ngn