|
  • :
  • :

Nông dân số và câu chuyện "a-lô"

Hiện nay, khó có thể tưởng tượng được sẽ như thế nào khi không có chiếc điện thoại "kè kè" bên mình - khác nào bị cách ly với thế giới chung quanh.

 

Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Nhiều người than: “Con cái bây giờ thức dậy là dán mắt vô chiếc điện thoại rồi”! Bạn bè gặp nhau chưa kịp chào hỏi thì đã lấy điện thoại ra “vuốt vuốt”! Ở các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, phía trên diễn giả cứ thao thao bất tuyệt, người nghe bên dưới cứ bị hút vào... màn hình điện thoại. Vậy là, “nghiện” rồi còn gì? Vậy là, các mối quan hệ bị đóng băng rồi còn gì? Vậy là, con người trở nên lệ thuộc vào chiếc điện thoại phải không?

Nói vậy không phải để phê phán, chỉ trích, vì nếu biết cách sử dụng hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ phát huy các tiện ích tuyệt vời của chiếc điện thoại. Người ta nói: cơ hội tiếp cận với các thiết bị thông minh mở ra với tất cả mọi người. Chạm vào chiếc điện thoại thông minh, người nông dân có thể mở ra nhiều cánh cửa mới, nhiều cơ hội mới. Chiếc điện thoại nhỏ xíu thu cả thế giới trong lòng bàn tay. Thế giới có cái hay, thì cũng có cái dở. Thế giới có tân tiến, thì cũng có lạc hậu. Điện thoại thông minh cũng như người bạn, mà đã là bạn thì nên chọn bạn tốt mà chơi. “Người bạn tốt” ấy đem đến cho mình nhiều thứ lắm! Nào là thông tin và kiến thức. Nào là những câu chuyện ý nghĩa, danh ngôn để tự răn mình. Nào là những bài học đủ ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội được cập nhật thường xuyên.

Người nông dân gõ câu hỏi đến “người bạn” mà cũng là “người thầy” của mình về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, về cách thức giảm chi phí, tăng chất lượng nông sản, để lợi nhuận cao hơn. Khi nông sản chưa được tiêu thụ hết thì vô mạng internet để tìm kiếm, tham khảo cách bảo quản, sơ chế, chế biến. Khi cây trồng, vật nuôi gặp dịch bệnh, thì có thể tra cứu nguyên nhân, cách điều trị. Khi muốn biết dinh dưỡng trên cây trồng ra sao, thiếu chất gì, thừa chất gì, thì chỉ cần chụp hình rồi gửi cho chuyên gia là có kết quả chính xác ngay lập tức kèm theo khuyến cáo cần bổ sung chất gì, giảm chất gì. Cũng với chiếc điện thoại thông minh, người nông dân bây giờ không cần ra đồng, vào vườn, chỉ ngồi trong nhà, thậm chí đang ở xa, vẫn có thể điều khiển tưới nước vào, tiêu nước ra đúng giờ giấc, dung lượng theo nhu cầu. Hình ảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” rồi sẽ chỉ còn lưu trong ký ức một khi người nông dân tiếp cận với nhiều tiện ích ngày càng mới mẻ và hiệu quả hơn.

Ngày xưa, làm nông thì phải “trông trời trông đất trông mưa”. Bây giờ, bằng chiếc điện thoại, người nông dân có thể tường tận thông tin thời tiết, dự báo sâu rầy dịch bệnh để chủ động phòng ngừa. Ngày xưa, vào vụ người nông dân lần mò tìm kiếm thông tin giá cả. Bây giờ, chỉ cần “bấm bấm” là cập nhật đầy đủ thông tin giá cả hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Ngày xưa, muốn mua vật tư đầu vào thì phải đi đến cửa hàng, đại lý. Bây giờ, chỉ cần đặt hàng qua mạng là có người chở tới tận bờ ruộng, mảnh vườn của mình rồi. Vậy còn gì tiện lợi cho bằng! Thời buổi bây giờ, mọi hoạt động đều có thể “từ xa” mà: học hành từ xa, chữa bệnh từ xa... Nên người ta làm nông cũng “từ xa” luôn rồi.

Mà lợi ích của chiếc điện thoại đâu chỉ có vậy. Điện thoại thông minh còn giúp người nông dân ghi chép vào sổ nhật ký canh tác điện tử, theo dõi dữ liệu hàng tuần và cả mùa vụ. Từ sổ nhật ký điện tử, người nông dân có thể tính toán chi phí đầu vào để biết rõ lợi nhuận thay đổi qua từng mùa vụ. Từ sổ nhật ký điện tử, người nông dân minh bạch hóa quy trình sản xuất sạch, an toàn của mình, chủ động quảng bá, kết nối với thị trường. Từ sổ nhật ký điện tử, người nông dân tự tin giới thiệu truy xuất nguồn gốc, mã vùng sản xuất, để bước vào hệ thống vận hành liên kết chuỗi cung cầu.

Chiếc điện thoại thông minh sẽ kích hoạt tinh thần ham học hỏi ở người nông dân, bắt đầu từ tìm kiếm thông tin, đối chiếu, so sánh và đặt câu hỏi. Người ta trồng trọt, mình cũng trồng trọt, mà sao năng suất cây trồng của người ta cao hơn mình? Người ta chăn nuôi, mình cũng chăn nuôi, mà sao vật nuôi của người ta nhanh tăng trọng hơn mình? Người ta sản xuất, mình cũng sản xuất, mà sao chi phí của người ta thấp hơn mình, chất lượng tốt hơn mình, lợi nhuận thu về nhiều hơn mình? Mỗi câu hỏi là một bước đi trên chặng đường thay-đổi-để-tốt-hơn ở mỗi người nông dân.

Người ta đâu phải sống chỉ để lao động, làm việc, mà còn cần được thụ hưởng bao nhu cầu thiết thực khác nữa. Muốn có năng suất cao, đâu chỉ là kỹ năng lao động, mà còn là làm sao cho đầu óc khoáng đạt, tinh thần thư thái. Chiếc điện thoại thông minh giúp ích rất nhiều, chuyển tải những câu chuyện khai sáng tâm hồn, mở rộng hiểu biết về thế giới bao la, gửi gắm những danh ngôn làm thay đổi cách sống, cách lao động, hun đúc tính kiên trì, nhẫn nại, tự tin ở người nông dân.

Từ điện thoại “cục gạch”, điện thoại màn hình màu, đến điện thoại thông minh là cả hành trình giúp cho con người thông minh hơn! Chiếc điện thoại nhỏ mở ra nhiều kết nối lớn, kết nối đến biết bao tri thức, xóa nhòa khoảng cách địa lý, đưa con người xích lại gần nhau. Nông dân số sẽ bắt đầu từ câu chuyện “a-lô” đến nâng cao tri thức cho người nông dân, những người góp phần hướng đến nền kinh tế nông nghiệp tri thức.

Đơn giản vậy thôi nhưng lại cần hành động của mọi cấp, mọi ngành. Có đi thì mới có đến!

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/thoi-luan/202108/nong-dan-so-va-cau-chuyen-a-lo-780694/
Tin liên quan
Chưa có thông tin