|
  • :
  • :

Người nuôi cá lồng bất an vì rét đậm kéo dài

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, các hộ nuôi cá lồng trên sông Đuống, sông Thái Bình tại các huyện Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh) không khỏi lo âu khi thời tiết rét đậm kéo dài khiến cá chậm lớn, tỷ lệ cá chết có chiều hướng gia tăng.

Theo anh Trần Quý Linh, thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình, Bắc Ninh), giá rét kéo dài khiến cá chậm lớn, tỷ lệ cá chết có chiều hướng tăng lên. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Trần Quý Linh, thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình, Bắc Ninh), giá rét kéo dài khiến cá chậm lớn, tỷ lệ cá chết có chiều hướng tăng lên. Ảnh: Trung Quân.

Anh Trần Qúy Linh, thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình, Bắc Ninh) cho biết: Gia đình anh có 14 lồng nuôi cá lăng và diêu hồng trên sông Đuống. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết rét đậm kéo dài đã làm cho các loại cá nuôi hạn chế hoạt động, ăn ít; tiêu hóa thức ăn, sinh trưởng và phát triển chậm lại.

“Thông thường, mỗi ngày 1 lồng cá của gia đình ăn hết 1 bao cám, tuy nhiên từ khi thời tiết chuyển rét đậm, 1 bao cám ăn cả tuần không hết”, anh Linh cho hay.

Cũng theo anh Linh, hiện tại hầu hết các hộ nuôi cá lồng đều đang rất lo lắng vì cá ăn ít nên chậm lớn, một số con có sức đề kháng kém, gặp thời tiết quá lạnh sẽ bị chết, trong đó cá lăng đuôi đỏ là đối tượng dễ bị chết nhất.

Bên cạnh đó, từ khi địa phương lấy nước đổ ải cho vụ đông xuân 2022, qua theo dõi, tỷ lệ cá chết ở các hộ nuôi có chiều hướng tăng lên nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân để khắc phục.

“Mặc dù số lượng cá chết hiện chưa nhiều nhưng cũng đang bắt đầu ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nước cũng như thiệt hại về chi phí con giống và cám nuôi”, anh Linh cho biết.

Cá lăng đuôi đỏ, cá diêu hồng con đang là đối tượng dễ bị chết nhất khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Trung Quân.

Cá lăng đuôi đỏ, cá diêu hồng con đang là đối tượng dễ bị chết nhất khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Trung Quân.

Chung tâm trạng lo lắng, ông Đào Xuân Thuấn, người cùng thôn Chi Nhị có 28 lồng nuôi cá chia sẻ: Trước Tết Nguyên đán và đầu năm mới là thời điểm cá lồng tiêu thụ thuận lợi nhất. Tuy nhiên, năm nay sức mua giảm hẳn so với mọi năm, giá bán cũng ở mức thấp.

“Dịp Tết tôi xuất bán cá lăng với giá 50.000 đồng/kg, cá diêu hồng 37.000 - 38.000 đồng/kg (thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm, các lăng 65.000 - 75.000/kg; cá diêu hồng 45.000 - 50.000/kg). Trong khi đó, giá cám, thuốc phòng trị bệnh cho cá liên tục tăng càng làm cho việc chăm sóc đàn cá trở nên khó khăn hơn”, ông Thuấn than thở.

Theo ông Thuấn, giá cá giảm là do các loại cá người dân trong xã nuôi chủ yếu phục vụ nhà hàng, nhưng do tác động của dịch Covid-19, sức tiêu thụ giảm hẳn nên giá bán giảm theo. Do đó, trước mắt các hộ đã chủ động giảm đàn, gối đàn để không gây áp lực về tiêu thụ tập trung vào một thời điểm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn cá trước thời tiết giá rét, đợi thị trường “ấm lên” sẽ tăng số lượng đàn nuôi.

Tại xã Trung Kênh (huyện Lương Tài), các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Đuống, sông Thái Bình cũng đang tăng cường các biện pháp để bảo vệ đàn cá trước sự thay đổi của con nước và thời tiết giá rét.

Các hộ nuôi cá lồng tại Bắc Ninh đang tăng cường các biện pháp tăng sức đề kháng, bảo vệ đàn cá trước thời tiết giá rét và sự thay đổi của con nước. Ảnh: Trung Quân.

Các hộ nuôi cá lồng tại Bắc Ninh đang tăng cường các biện pháp tăng sức đề kháng, bảo vệ đàn cá trước thời tiết giá rét và sự thay đổi của con nước. Ảnh: Trung Quân.

Ông Đỗ Văn Hùng, thôn Lai Nguyễn, xã Trung Kênh chia sẻ: Thời tiết giá rét nên sức đề kháng của cá cũng giảm đi, dễ mắc các bệnh như bệnh nấm, xuất huyết, bệnh gan thận ứ mủ… làm cho chi phí và công chăm sóc tốn kém hơn.

Để giảm thiểu thiệt hại, gia đình ông định kỳ bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá. Sử dụng thức ăn dạng viên nổi và không tan trong nước để hạn chế hao hụt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát hoạt động bắt mồi và mức độ ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, vớt thức ăn cũ còn thừa trong lồng trước khi cho thức ăn mới.

Các chủ lồng bè cũng liên tục cắt cử người theo dõi hoạt động của cá, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý. Ở các khu vực nuôi có bệnh xảy ra, khẩn trương cách ly những lồng, bè bị bệnh bằng cách kéo lồng bè xuống vị trí cuối dòng nước chảy và kịp thời chữa bệnh cho cá. Khi cá nuôi bị bệnh nặng và có khả năng lây lan, phải tiến hành thu hoạch ngay toàn bộ lồng nếu đã đạt yêu cầu thương phẩm…

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nguoi-nuoi-ca-long-bat-an-vi-ret-dam-keo-dai.ngn