Nhà rông Tây Nguyên. |
Mỗi nhà một kiểu
Trước hết, nét độc đáo thể hiện ở việc sử dụng vật liệu. Nguyên vật liệu tại chỗ được sử dụng và tận dụng sáng tạo theo từng địa phương để dựng nhà.
Nhà Tây Nam bộ xưa chủ yếu làm bằng gỗ đước, mái lợp dừa nước, thoáng mát, nhiều khi không có cửa. Cả gió và khách “tự nhiên vào chơi” như tính cách phóng khoáng của người dân mở cõi. Vùng nước nổi - gọi như vậy vì nước lên từ từ, không phải lũ hay lụt - thì làm nhà sàn, nhà bè trên sông. Dần dà khá hơn, nhà lợp ngói, cột gỗ chịu nước hoặc các loại gỗ quý. Tầng lớp giàu có làm nhà chữ Đinh, nhà Bát Dần, nhà Nọc Ngựa… rộng hàng trăm mét vuông.
Đầu thế kỷ XX, có thêm nhà xây bằng vật liệu mới theo kiến trúc Đông Tây hài hòa của quan chức, bá hộ. Dù thay đổi cấu trúc, diện mạo nhưng việc bài trí vật dụng trong nhà vẫn theo những nguyên tắc căn bản, từ “trước trồng cau, sau trồng chuối” đến việc bố trí hoành phi, câu đối, bàn thờ, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp…
Nhà Trung bộ xưa lợp tranh, có khi lợp lá mía, rơm rạ; cột gỗ và tre; tường đất trộn rơm pha ít phân bò. Khá giả thì lợp ngói, cột gỗ quý. Quý tộc thì nhà rường, toàn gỗ quý, cả cột kèo và cửa, vách. Ven biển nhà thấp, kiên cố để tránh bão. Nhà Bình Định, trần cũng bằng đất, chống cháy, quanh năm mát mẻ. Nhà Bắc bộ xưa ngoài tranh tre thì mái còn có thêm lá cọ, sườn nhà có gỗ xoan, mít và tường thì bằng đất nện. Người giàu thì nhà toàn dùng gỗ quý.
Nhà Tây nguyên hay Việt Bắc của các tộc người thiểu số là nhà sàn bằng tre, gỗ; lợp tranh, lá, sậy hoặc gỗ. Công năng ban đầu của nhà sàn ở vùng rừng núi là chống thú dữ. Gỗ, tre làm nhà đều được xử lý bằng ngâm nước, bùn để chống mối mọt. Nhà nào ở nông thôn cũng có vườn, có cổng gắn với rào bằng cây xanh hoặc hàng cau trước ngõ. Hình ảnh làng quê đã in sâu vào máu thịt, thành hoài niệm và nỗi nhớ khi tha hương. “Vào nhà là biết chủ”, nhìn kiến trúc là biết vùng miền. Bên ngoài vẻ dung dị, chân mộc là những lớp cắt lịch sử bi hùng, cần có thời gian và tâm nguyện tìm hiểu.
Hát quan họ trước nhà người Việt ở Bắc Ninh. |
Mong đợi… ngậm ngùi
Bản chất du lịch, ngoài nghỉ dưỡng, giải trí còn là trải nghiệm và khám phá. Các mô hình du lịch cộng đồng thành công đều chung mẫu số: vùng quê thanh bình - cuộc sống thuận thiên - vẻ đẹp riêng biệt. Bất kể giao thông trắc trở, giải trí nghèo nàn (kiểu phố thị), dịch vụ hạn chế… nông thôn Việt vẫn “giàu có” gấp mấy lần phố xá từ không gian, cảnh quan, bản sắc văn hóa, ẩm thực… với vô vàn trải nghiệm kỳ thú, trong đó có trải nghiệm về sự độc đáo trong kiến trúc nhà ở.
Chẳng hạn bản Sin Suối Hồ (Lai Châu) hấp dẫn du khách là bởi nhà cửa và đường sá nguyên sơ, đến nhà thờ cũng dân dã. Bản chỉ có hơn 700 người H’Mong nhưng có trên 30.000 chậu lan, vừa kinh doanh, vừa trang trí như vườn địa đàng hạ giới. Gần 200 chỗ ngủ của nhà nguyên bản H’Mong nhưng có lò sưởi, nệm 2 tấc trắng tinh, vệ sinh khép kín. Món ngon được chế biến từ nguyên liệu tại chỗ. Bản Thái Hải (Thái Nguyên) giữ nguyên kiến trúc bản làng Tày trung du. Chỗ ở được cách tân và vệ sinh khép kín.
Buôn Ako Dhong, còn gọi là buôn Cô Thôn, buôn Marin (Buôn Ma Thuột). Nằm giữa lòng thành phố, bị đô thị hóa nhưng dân làng vẫn giữ được hồn bản. Các nhà xưa gần như được giữ nguyên, kể cả khi sửa sang lại thì chủ nhân vẫn tuân theo quy chuẩn cũ: nhà mới nhưng kiến trúc xưa, chỉ thay vật liệu. Nhờ vậy Cô Thôn là điểm du lịch trải nghiệm thú vị của Tây nguyên.
Nhà sàn mới ở buôn Ako Dhong (Côn Thôn), Đắk Lắk. |
Ở Cồn Chim (Trà Vinh) cả ấp toàn nhà lá, không có máy lạnh. Cái gì cũng nho nhỏ, xinh xinh: nhà nhỏ, quán nhỏ, đường nhỏ, nói năng cũng nhỏ... Chỉ có tấm lòng chân quê là lớn.
Tiếc là không phải địa phương nào cũng biết tận dụng kiến trúc độc đáo của vùng quê mình để định hướng, đầu tư cho du lịch. Phần lớn các mô hình du lịch cộng đồng chưa thành công (nói thẳng là thất bại) bởi không quan tâm (hoặc không biết?) đến bề dày văn hóa nông thôn, sự độc đáo của kiến trúc nhà ở nông thôn, chưa biết tận dụng không gian và cảnh quan vốn có của nông thôn để xây dựng tiêu chí kinh doanh cho mình, từ đó định hướng tiêu dùng cho khách.
Có một thực tế là hiện nay, du lịch cộng đồng kiểu tự phát, “mì ăn liền” đang phát triển nhanh, góp phần bức tử kiến trúc làng quê Việt với tốc độ chóng mặt. Cần chặn đứng việc này bằng các biện pháp quyết liệt song song với việc quảng bá, giáo dục và hỗ trợ nhân rộng các điểm du lịch cộng đồng đúng chuẩn về bảo tồn kiến trúc, văn hóa, dịch vụ để thay đổi dần thói quen tiêu dùng cho khách du lịch Việt.
Nhà bá hộ ở làng Hòa An - Đồng Tháp xưa. |
Nếu chưa có quy hoạch tổng thể, các địa phương cần có chính sách khuyến khích nông thôn bảo tồn văn hóa, đặc biệt là kiến trúc làng quê. Hạn chế tối đa việc cất nhà lầu, nhà lai hoặc nhà bê tông cốt thép, xây dựng thập cẩm. Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu giàu có, hiện đại nhưng nông thôn vẫn giữ được nét quê, từ trang phục, nhà cửa, đường làng đến đồng ruộng. Họ chỉ thay một số vật liệu, chất liệu để đảm bảo tiện nghi hơn cho khách nhưng phải đảm bảo không làm sai lệch kiến trúc nông thôn nguyên bản.
Bhutan cực đoan, không có văn hóa ngoại lai từ kiến trúc đến trang phục. Cả nước, rặt những kiểu nhà đặc trưng và trang phục truyền thống thuần Bhutan, không lẫn vào đâu được. Cùng với cuộc sống thuận thiên, chính việc bảo tồn nghiêm ngặt môi trường và văn hóa đã đưa Bhutan trở thành quốc gia có Chỉ số Hạnh phúc cao nhất thế giới.
Cần làm đẹp đường làng, biến đường quê thành những đường kiểng, đường tre, đường hoa… một cách sáng tạo; các cổng vườn là những tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên, điểm check-in độc đáo để níu giữ chân khách. Đường quê chỉ mở rộng hợp lý, khuyến khích sử dụng xe đạp, xe lôi, xe lam… Chính sách khuyến khích từng nhà xếp đá thành “Trường gia lũy” ở Tiên Phước (Quảng Nam) rất cần được nhân rộng như một mô hình gìn giữ kiến trúc đặc trưng địa phương để phục vụ du lịch cộng đồng. Mỗi điểm du lịch cộng đồng là một điển hình sáng tạo về bảo tồn văn hóa làng quê Việt; từ kiến trúc, trang phục, phong tục đến ẩm thực, âm nhạc, vui chơi…
Với nông thôn Việt, phạm trù Bảo tồn - Du lịch là cặp đôi gắn bó, đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, nếu phát triển du lịch đúng chuẩn sẽ góp phần cứu vãn các kiến trúc cổ và góp phần vực dậy văn hóa truyền thống địa phương nông thôn.