Ông Kiên Sô Phone, ở xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang là một trong những hộ được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác cho biết, mô hình trồng lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được thực hiện theo hình thức sử dụng máy sạ cụm (còn gọi máy sạ khóm), gieo sạ các giống lúa như OM18, Đài thơm 8 và OM57 có thời gian sinh trưởng 95-105 ngày.
Trong quá trình canh tác, cây lúa được sử dụng phân bón thông minh Đầu trâu mặn - phèn; Đầu trâu TEA1 và TEA2 của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, kết hợp với phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nên giảm rất nhiều chi phí, công lao động, nhưng năng suất cao hơn 25-30% và lợi nhuận tăng hơn bình quân 6,5 triệu đồng/ha so với ruộng không sản xuất theo mô hình canh tác lúa thông minh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng Bộ phận Thường trực Nam Bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với việc ứng dụng máy sạ cụm giúp nông dân giảm 50 % lượng giống từ 80-100kg/ha theo cách sạ hàng, giảm còn 40-50kg/ha theo sạ cụm. Cùng với đó, việc sử dụng phân bón thông minh giúp tăng cao hiệu quả cải tạo đất, kích thích tốt cho bộ rễ cây lúa phát triển, hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm sâu bệnh do bón thừa phân đạm… theo phương thức sạ dày, canh tác theo cách truyền thống.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư mở rộng phương pháp sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Qua 3 năm tập trung vận động, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán sản xuất, toàn tỉnh đã có khoảng 17.400 ha đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao. Trong này có gần 7.000 đất trồng lúa, trồng màu, cây ăn trái được nông dân ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, như sử dụng phân bón thông minh (Nano); hệ thống quan trắc - điện toán đám mây; hệ thống tưới tự động, bẫy côn trùng thông minh và dự báo sâu bệnh; sử dụng cây giống sạch bệnh, nuôi cấy mô, cây phôi; sử dụng công nghệ nhà lưới, thủy canh; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap,…
Các mô hình sản xuất nông nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao đều cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội. Về trồng lúa ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao cho năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Về trồng rau màu được sử dụng công nghệ nhà lưới, kết hợp tưới phun cho sản phẩm đạt chuẩn VietGap làm tăng giá trị cung ứng từ 10 – 15 %. Nhờ đó, lợi nhuận đem lại cho nông dân tăng từ 1 – 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.
Phúc Sơn