Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Tại Bạc Liêu, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình trồng táo trong nhà lưới của anh Phạm Thanh Phương, ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi.
Trồng táo không phải là mô hình mới, nhưng trồng táo trong nhà lưới, anh Phạm Thanh Phương là người tiên phong. Anh Phương cho biết, 3 năm trước, gia đình đầu tư xây dựng khung sắt, nhà lưới với số tiền gần 200 triệu đồng, bao kín hết 350 gốc táo trong vườn. Số tiền bỏ ra không nhỏ, nhưng lợi thế lâu dài lại khá lớn. Cây táo gần như không có sâu bệnh, không bị ruồi đục trái gây hại, chi phí phun xịt thuốc bảo vệ thực vật giảm rất nhiều so với trước. Mỗi vụ, anh chỉ phun xịt 1 lần duy nhất lúc ra hoa để táo đậu quả tốt. Với ưu điểm này, táo xanh do anh Phương trồng được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Họ đến tận vườn tham quan, mua táo với số lượng lớn dù giá táo tại đây cao hơn thị trường khoảng 5.000 đồng/kg. Mỗi năm, vườn táo của anh Phương được 2 vụ, mỗi vụ thu khoảng 8 – 10 tấn. Lợi nhuận thu khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, táo hữu cơ của anh Phạm Thanh Phương đã được cấp mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.
Tại huyện Hòa Bình, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, ông Lê Văn Hột, ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A đã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi lươn theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Sau gần 1 năm thả nuôi, đến nay, lươn của gia đình ông Hột được xuất bán mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Mô hình nuôi lươn theo hình thức công nghiệp gần đây được nhiều nông dân áp dụng, tùy theo khả năng tài chính mà quy mô triển khai mô hình cũng khác nhau. Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tùy theo quy mô nuôi, lợi nhuận thu được từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
Ông Trương Thanh Nhã, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bạc Liêu (phải) tham quan mô hình trồng táo của anh Phạm Thanh Phương, ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Ông Trương Thanh Nhã, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội đã đầu tư cho gần 1.000 hội viên vay vốn, với số tiền trên 22 tỷ đồng. Các mô hình dự án được hỗ trợ khá phóng phú như: Chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, lúa chất lượng cao, rau màu an toàn theo hướng hữu cơ…
Năm 2021, hội viên nông dân Bạc Liêu đã xây dựng 15 nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới, dưa leo, táo, cà chua, rau các loại... Các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao. Từ những kinh nghiệm được rút ra, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát động thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, các mô hình mới như: Măng tây, nấm rơm, dưa hấu khắc chữ, cua đinh, nuôi rắn ri cá, nuôi lươn không bùn, rau màu an toàn trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới phun...
Hội đang triển khai hai mô hình trình diễn "Trồng dưa leo chùm trong nhà màng trên diện tích 100m² tại xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu và mô hình "Nuôi heo theo hướng an toàn sinh học" quy mô 10 con tại ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân để nhân rộng trong hội viên.
Bên cạnh nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư vốn vay giúp nông dân phát triển các mô hình sản xuất, nhất là những mô hình có ứng dụng công nghệ cao.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại Bạc Liêu được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là trong nuôi tôm. Ngoài 30 công ty, doanh nghiệp, 650 hộ dân đã áp dụng nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình khép kín đã và đang cho quả kinh tế rất cao. Một số ứng dụng trong nuôi tôm công nghệ cao như áp dụng hệ thống tuần hoàn nước nuôi tôm trong nhà kín. Với công nghệ này, mối lo về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và ô nhiễm môi trường chung quanh được giải quyết cơ bản.
Việc ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm, công nghệ này cho hiệu quả kinh tế cao và phòng, chống được một số bệnh nguy hiểm thường gặp trên tôm và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường nuôi. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, thu thập dữ liệu từ các ao, hồ nuôi tôm qua các thiết bị di động, các bộ cảm biến và thiết bị cho ăn tự động, hệ thống sục khí oxy và siphon (hệ thống lọc) đáy làm sạch ao giúp cho người nuôi tôm quản lý hiệu quả các khâu trong quá trình nuôi.
Xác định ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là xu thế tất yếu, giúp nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo ra những sản phẩm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong đó, Hội tập trung tuyên truyền các mục tiêu, trụ cột phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; phối hợp với các ngành chuyên môn vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, an toàn vào sản xuất.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, tạo mối giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên, nông dân. Đặc biệt là tập trung phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, giúp người nông dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.