Anh Lê Văn Thành, xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm an toàn cho thu nhập 200-250 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Về thăm cơ sở sản xuất nấm của anh Lê Văn Thành đúng vào dịp nấm đang bắt đầu cho thu hoạch. Anh Thành cho biết, sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, khi tốt nghiệp đại học anh đã đi tới nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu để sau này phát triển trên quê hương mình.
Trong một lần thăm 1 trang trại trồng nấm của một người bạn, anh Thành nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng nấm cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng ngô thông thường, trong khi nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi. Ngay sau đó, anh Thành quyết định xây dựng mô hình trồng nấm an toàn ngay tại gia đình.
Năm 2015, anh Thành vay vốn người thân, bạn bè để mở trại trồng nấm, anh tìm hiểu thêm cách thức trồng nấm thông qua mạng internet, báo đài và khi đã nắm bắt được kỹ thuật trồng nấm an toàn, anh Thành đã mạnh dạn xây dựng lều lán và bắt đầu trồng nấm trên diện tích 500 m2, anh cho công nhân xây các giàn treo kiên cố, làm giàn hấp bịch phôi nấm và mua sắm thêm máy móc hiện đại khác để xây dựng một quy trình khép kín trong sản xuất nấm để tạo ra những sản phẩm nấm an toàn.
Bên cạnh đó, anh Thành cũng tận dụng được nguồn nguyên liệu sản xuất bịch phôi nấm có sẵn tại địa phương như mùn cưa, cám ngô nên giảm thiểu được rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, việc trồng nấm cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết, dịch bệnh, nhất là việc ruồi, muỗi ký sinh đẻ trứng phá hoại phôi.
Đặc biệt, nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh, vì vậy người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao phải làm chặt khâu chọn giống, sau đó mới ủ nguồn nguyên liệu, lúc này phải chọn nguyên liệu kĩ càng, sạch sẽ thì chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn rất nhiều.
Đối với cây nấm sò, các nguyên liệu mùn cưa cao su, cám ngô phải được xay nhỏ, trộn đều sau đó đóng trong bịch nilon, đưa đi hấp vô trùng rồi mới cấy giống. Sau đó, ươm bịch từ 20-30 ngày cho đến khi sợi nấm ăn kín trắng toàn bộ bịch thì tiến hành dùng dao nhọn rạch từ 6 - 9 vết rạch xung quanh bịch nấm, kích thước vết rạch phải rộng từ 2-3 cm, sâu từ 4-5 cm.
Sau khi rạch 7 - 10 ngày, nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch,khi nấm có đường kính mũ đạt từ 3 - 4 cm thì tiến hành thu hoạch. Việc hái nấm và vệ sinh nấm cũng rất quan trọng để không ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nấm.
Với nấm mộc nhĩ, anh Thành cũng luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày nên nấm ngày càng phát triển.
Nhờ kiên trì, chịu khó trong công việc, đến nay trại nấm của anh ngày càng mở rộng, cho thu nhập cao, sản phẩm nấm sò, nấm mộc nhĩ của anh Thành luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được người dùng ưa chuộng và được bán ra thị trường tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội, hiện cơ sở trồng nấm của anh cũng tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương khoảng 4 triệu/người/tháng.
Để tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới, anh Thành cho biết mình sẽ đầu tư trồng thêm các loại nấm, hướng dẫn người dân quanh vùng chuyển giao khoa học kĩ thuật để cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Nhữ Mai Thọ, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Triệu Sơn cho biết, mô hình trồng nấm an toàn của anh Lê Văn Thành là mô hình mới đang cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ có những chỉ đạo cụ thể để phát triển, nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện nhằm tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân làm kinh tế nông nghiệp.