Vay vốn ưu đãi để chăn nuôi bò. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Mô hình chăn nuôi bò theo hướng gia trại của gia đình chị Lường Thị Hiền tại bản Phủ, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo đang được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay, mỗi năm chị Hiền xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa từ 7 đến 10 con bò. Nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị đầy đủ thức ăn khô dự trữ nên đàn gia súc của gia đình đều khỏe mạnh, sinh sản nhanh và ít bị dịch bệnh. Lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí từ mô hình nuôi bò này đã đem lại cho gia đình chị Hiền từ 120 đến 150 triệu đồng/năm.
Chị Lường Thị Hiền cho biết, trước kia gia đình cũng chăn nuôi theo kiểu thả rông đàn bò nhưng thường gặp rủi ro về dịch bệnh, khó kiểm soát. Từ khi chuyển sang chăn nuôi nhốt, đàn bò lớn nhanh, không ốm, bệnh. Khi gia súc ốm, gia đình cũng kiểm soát được và có biện pháp chữa trị kịp thời đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi.
Tương tự, gia đình ông Lò Văn Lún ở bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên chuyển đổi từ nuôi lợn sang chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo được 2 năm nay. Ông Lún chia sẻ, bao nhiêu năm gắn bó với đàn lợn là bấy nhiêu ngày mất ăn mất ngủ vì lo dịch bệnh, giá cám tăng, đầu ra không tiêu thụ được.
Chuyển sang nuôi bò, để đạt hiệu quả, ông Lún đã trồng 3.000 m2 cỏ voi làm thức ăn cho bò và học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ các hộ chăn nuôi cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện gia đình ông đang nuôi 9 con bò, theo tính toán mỗi con sau khi xuất bán sẽ thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, tổng đàn trâu, bò, dê năm 2020 của tỉnh có khoảng 285.000 con. Tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,4%/năm. Các huyện có số lượng đàn trâu, đàn bò lớn như: Điện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông.
Ðể đảm bảo đàn gia súc phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả, lựa chọn con giống tốt, chú trọng tiêm vaccine phòng bệnh, đầu tư chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng bền vững
Toàn tỉnh hiện có trên 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu, bò, dê; trong đó có gần 290 trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa và hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia trại hiệu quả. Cùng với đó, tổng sản lượng thịt hơi trâu, bò năm 2020 đạt trên 4.500 tấn; tốc độ tăng sản lượng thịt hơi bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 5%/năm. Điều này cho thấy việc chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng được người nông dân chú trọng về chất lượng sản phẩm.
Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết, Điện Biên là tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ với diện tích đất tự nhiên rộng lớn trên 950.000 ha; nhiều đồi, rừng, nguồn cỏ tự nhiên, mật độ dân cư thấp, nguồn lực lao động nông thôn dồi dào.
So với các tỉnh đồng bằng, chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở Điện Biên không chịu áp lực nhiều về môi trường dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay sản phẩm từ thịt gia súc ăn cỏ mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước…Trước đây, việc chăn nuôi trâu, bò ở Điện Biên chủ yếu để lấy sức kéo cho sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay do cơ giới hóa đã phát triển, việc chăn nuôi đại gia súc chủ yếu để lấy thịt cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Do đó, việc chăn nuôi của bà con đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, phát triển đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ cao chiến hơn 90%; phương thức chăn thả tự do dẫn đến hiện tượng giao phối đồng huyết và cận huyết làm suy giảm năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thịt trâu, bò. Hiện nay, Điện Biên vẫn chưa hình thành được các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc gắn với tiêu thụ sản phẩm... Đây chính là những rào cản làm số lượng đàn trâu, bò tại tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng.
Tỉnh Điện Biên đang xây dựng Đề án phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với kinh phí hơn 660 tỷ đồng.
Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên phát triển đàn gia súc ăn cỏ với tốc độ bình quân khoảng 3%/năm, trọng tâm nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất gia tăng vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; đàn trâu tăng bình quân 1,4%/năm, đàn bò tăng bình quân 4,5%/năm, đàn dê tăng bình quân 2,9%/năm…
Mục tiêu đến năm 2030, tổng đàn trâu, bò, dê khoảng 376.000 con. Đề án nhằm phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả và phát triển bền vững. Qua đó, từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ trở thành ngành sản xuất chủ lực của tỉnh; cung cấp sản phẩm từ thịt đảm bảo chất lượng, an toàn cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Đề án cũng tạo điều kiện tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh những vùng cụ thể để phát triển gia súc ăn cỏ theo hướng hàng hóa; phát triển các vùng trồng cỏ thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ nâng cao chất lượng con giống và các sản phẩm chăn nuôi thông qua bình tuyển, chọn lọc trâu, bò giống tốt để cải tạo giống thông qua thụ tinh nhân tạo. Việc phát triển chăn nuôi phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại...