Khu chuồng nuôi heo của chị Võ Thị Ánh Hương vừa được đầu tư xây dựng. Ảnh: quangngai.gov.vn
Sau khi lập gia đình, chị Võ Thị Ánh Hương bàn với chồng ý tưởng xây dựng mô hình nuôi trồng ngay tại quê nhà. Theo đó, năm 2015, vợ chồng chị bắt tay vào cải tạo 3.000 mét vuông đất gò đồi để đầu tư nuôi gà Ai Cập đẻ trứng. Cùng với đó, chị Hương chủ động tìm hiểu, chọn mua giống gà mía của người dân các tỉnh phía Bắc về nuôi lấy thịt theo hình thức thả đồi. Mỗi lứa, chị thả nuôi 300 con theo hình thức gối đầu. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh đầy đủ và sử dụng nguồn thức ăn bổ sung sẵn có của gia đình như lúa, ngô, cám gạo, đàn gà sinh trưởng khỏe, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt, trứng đặc biệt thơm ngon. "Nắm bắt nhu cầu thị trường luôn cần thực phẩm sạch như thịt gà, trứng, tôi chọn con gà để khởi nghiệp. Để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, tôi đang hoàn tất các thủ tục chứng nhận thực phẩm sạch", chị Hương cho hay.
Không chỉ chăn nuôi, bằng nguồn vốn tích lũy và 100 triệu đồng vay từ Chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2021 của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành, chị Hương tiếp tục cải tạo, đầu tư mở rộng mô hình. Đến nay, vợ chồng chị Hương đã mở rộng quy mô mô hình lên 1,2 ha gồm 3 khu chuồng nuôi 1.000 con gà Ai Cập, gà mía; một khu chuồng nuôi 30 con lợn nái giống; vườn cây ăn quả đa dạng như xoài, mít, sầu riêng, bơ… đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, chị Hương còn tìm chọn các giống cây mới, lạ ở mọi miền đất nước về trồng thử nghiệm như bưởi đỏ Luận Văn, mít ruột đỏ, bước đầu cây sinh trưởng phát triển tốt. Nhờ chủ động lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, bảo đảm cho đồng vốn quay vòng nhanh, khép kín và đem lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của gia đình chị Hương ngày càng sung túc, giúp chị thêm tự tin mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi trong thời gian tới. Chị Hương cho biết: "Với mô hình này, tôi không chỉ có nguồn thu nhập thường xuyên để đảm bảo đời sống gia đình hằng ngày, mà tôi còn tích lũy được nguồn vốn để mở rộng mô hình, đầu tư các loại cây, con giống mới".
Không chỉ làm giàu cho gia đình, là một hội viên Hội Phụ nữ xã Hành Tín Đông, chị Hương còn vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất cho các chị em trong Hội, để chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Chị Lê Thị Mai Lan, xã Hành Tín Đông cho biết, trước đây, gia đình chị chỉ biết trồng keo, trồng sắn trên đất vườn rừng. Cây sắn một năm cho thu hoạch một lần, còn cây keo 4-5 năm mới cho thu hoạch. Do đó, gia đình không có nguồn thu nhập thường xuyên, bao nhiêu tiền lúc bán keo, bán sắn đều trả nợ hết. Từ ngày được chị Võ Thị Ánh Hương hướng dẫn cách làm mô hình chăn nuôi, chị Lan đã chuyển một phần đất trồng sắn sang chăn nuôi gà thịt thả đồi. "Chị Hương hướng dẫn tôi cũng như nhiều chị em khác cách chăn nuôi gà, giữ vệ sinh, phòng bệnh, chọn nguồn giống… nhờ đó gà sinh trưởng phát triển tốt, thịt thơm ngon. Từ ngày biết chăn nuôi gà thịt theo hình thức gối đầu, gia đình tôi thường xuyên có thu nhập, có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Hiện nay, ngoài nuôi gà, tôi còn chăn nuôi lợn thịt, trồng cây ăn quả. Nhờ đó, từ việc phải lo ăn từng bữa, đến nay gia đình đã có của ăn của để", chị Lan chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kiều Hoanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghĩa Hành cho biết, Hội Phụ nữ huyện đã tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, nhiều hội viên phụ nữ xã đã được tiếp cận với nguồn vốn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình kinh tế kết hợp chăn nuôi, trồng trọt của chị Hương, xã Hành Tín Đông là một trong những mô hình hiệu quả. Chị Hương là tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ trong huyện học tập. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế trên địa bàn để giúp các chị em làm chủ kinh tế gia đình, ổn định và nâng cao đời sống.