Tới thăm gia đình ông Đặng Văn Đức, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương khi vợ chồng ông đang làm cỏ, bón phân cho vườn cà gai leo để kịp thu hoạch dịp cuối năm lấy tiền sắm Tết. Với hơn 3 sào trồng cà gai leo, ông Đức ước tính sẽ thu về được gần 10 triệu đồng sau khi thu hoạch vụ cà gai leo cuối cùng của năm nay.
Ông Đặng Văn Đức cho biết, trước đây, gia đình ông trồng chỉ trồng sắn trên mảnh vườn của gia đình, vất vả từ đầu vụ cho đến cuối vụ, sau khi thu hoạch tính toán lời lãi chẳng được là bao. Gia đình ông bắt đầu trồng cà gai leo từ năm 2016 từ đó đến nay cuộc sống của gia đình ông đã ổn định hơn. Từ đầu năm 2021 đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được 2 vụ, mỗi vụ được hơn 9 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây cà gai leo mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Đặc biệt, cà gai leo có thể tái sinh sau khi thu hoạch và duy trì gốc 3-5 năm, mỗi năm thu hoạch 2-3 đợt.
Nhờ trồng cà gai leo, gia đình ông Đức đã mua được trâu, bò, sắm sửa đồ đạc trong gia đình. Dự định sang năm 2022, gia đình ông Đức sẽ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Cây cà gai leo bén duyên với mảnh đất Hợp Hòa từ năm 2016 khi anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông, lâm nghiệp Hợp Hòa là người đầu tiên mang loài cây này về trồng thử nghiệm. Từ đó đến nay, xã Hợp Hòa đã có hơn 10 ha cà gai leo đang cho thu hoạch. Riêng Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa có 13 hộ thành viên và hơn 100 hộ liên kết trồng cà gai leo.
Anh Bùi Văn Hoàng chia sẻ, sau lần đi tham quan mô hình trồng cà gai leo tại tỉnh Hòa Bình, nhận thấy loại cây này phù hợp với đồng đất quê hương nên anh đã mua giống về trồng thử nghiệm. Trong thời gian 3 năm cây cà gai leo có tốc độ sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập cao hơn rất nhiều các loại cây trồng khác. Cuối năm 2019. Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa được thành lập, đứng ra thu mua toàn bộ cà gai leo nguyên liệu của người dân để chế biến thành các sản phẩm trà, cao cà gai leo.
Theo những hộ dân trồng cà gai leo ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, trung bình mỗi ha cà gai leo cho sản lượng 10 tấn sản phẩm khô/năm, với giá bán bình quân 28 triệu đồng/tấn, mỗi ha cà gai leo cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm, trừ hết chi phí cho thu lại trên 160 triệu đồng.
Ông Triệu Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết, Hợp Hòa là xã thuộc Chương trình 135, kinh tế của người dân chủ yếu từ trồng mía, chăn nuôi lợn. Nhưng vài năm trở lại đây giá mía nguyên liệu sụt giảm nhiều hộ đã phế canh cây mía. Bên cạnh đó người chăn nuôi phải chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Ông Đặng Văn Đức, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa trao đổi với đại diện doanh nghiệp thu mua cà gai leo. Ảnh: Quang Cường-TTXVN
Trong khi đó, cây cà gai leo có giá ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao đã thu hút đông đảo người dân tham gia trồng loại cây này. UBND xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích cà gai leo, dự kiến đến năm 2022 tăng diện tích lên khoảng 30ha. Ngoài ra, xã cũng đang kêu gọi các nguồn hỗ trợ để xây dựng cơ sở chế biến cà gai leo tại địa phương.
Các sản phẩm từ cà gai leo do Hợp tác xã Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông, lâm nghiệp Hợp Hòa chế biến đã được UBND xã Hợp Hòa đưa vào danh mục hỗ trợ theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Hiệu quả kinh tế của cây cà gai leo đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi thành công cơ cấu giống cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân xã khó khăn Hợp Hòa tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Cây cà gai leo là cây dược liệu, nhưng rất dễ trồng chỉ cần bón phân chuồng và tưới nước là cây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Hiện nay, cà gai leo là một trong những thảo dược quen thuộc có tác dụng trong điều trị các bệnh về gan, chữa phong thấp, sản phẩm cà gai leo ngày càng được nhiều người sử dụng.