Trồng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, “organic” đang là xu hướng thịnh hành và là chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững
Bây giờ ra chợ hay vào siêu thị, cửa hàng nông sản… chỉ cần nhìn thấy trên mỗi sản phẩm rau, củ quả, trái cây… gắn nhãn “organic” là người mua hàng rất có thiện cảm và an tâm chọn mua. Chính vì thế, những năm gần đây, nhiều mô hình, diện tích sản xuất từ trồng trọt đến chăn nuôi của các hộ dân, các tổ chức thuộc hội phụ nữ, hội nông dân, hợp tác xã… trên địa bàn tỉnh đều đang hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP và xây dựng thương hiệu, sản phẩm gắn nhãn mác “organic”. Không cần nói lợi ích mang lại cho sức khỏe con người, phương pháp sản xuất này còn mang lại giá trị lợi ích kinh tế cao hơn nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Đầu ra tiêu thụ các loại sản phẩm “organic” cũng thuận lợi hơn, bởi lẽ tâm lý người tiêu dùng đều thích mua loại lương thực, trái cây, rau xanh vô hại.
Lương thực, thực phẩm bẩn đang đe doạ rất lớn đối với con người và các thế hệ con cháu. Nhiều nghiên cứu đưa ra, ăn lương thực có chứa nhiều cadimi sẽ tích tụ trong cơ thể người khiến xương bị giòn dễ gãy, nghiêm trọng hơn còn gây bệnh đau xương; hoặc ăn rau xanh có chứa muối nitrat quá mức cho phép sẽ gây ngộ độc, trẻ em bị bệnh khó thở, thậm chí bị ung thư. Một số loại thuốc trừ sâu bám dính lâu vào rau xanh, trái cây khiến người ăn phải bị ngộ độc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe…
Để tránh tình trạng này, nhiều người, gia đình đã sử dụng biện pháp tối ưu là trong quá trình trồng cây lương thực, cây ăn quả, rau xanh... tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, các chất ô nhiễm có hại cho cây trồng. Thời gian qua, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình cũng đã hình thành mô hình “tự cung tự cấp” rau, quả xanh bằng cách trồng theo phương pháp hữu cơ trong thùng xốp, tận dụng không gian trên sân thượng, trồng trong giàn lưới… Tất nhiên việc sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch như trên đòi hỏi rất nhiều công sức.
Trước xu hướng ưa chuộng trồng cũng như lựa chọn tiêu dùng lương thực, thực phẩm “organic” của người dân, để đáp ứng số lượng lớn nhu cầu, tỉnh rất khuyến khích nông hộ, tập thể, các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây cũng là chiến lược nhằm cải thiện chất lượng sống, bảo vệ môi trường, thích ứng trước biến đổi khí hậu toàn cầu và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững,
Trong giai đoạn 2021- 2025, Thừa Thiên Huế đề ra mục tiêu tổng diện tích lúa chất lượng cao đạt 27.000ha, chiếm khoảng 50% diện tích lúa toàn tỉnh; diện tích sản xuất rau, hoa trong hệ thống nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 15ha; diện tích cây ăn quả đạt khoảng 6.000ha; tổng diện tích sản xuất trồng trọt theo quy trình VietGAP, hữu cơ đạt khoảng 1.000ha. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh ưu tiên phát triển nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến như: GlobalGAP, BMP (thực hành quản lý nuôi tốt hơn)… thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 200 ha tôm nuôi trên cát ứng dụng công nghệ cao.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN