Tiêu độc khử trùng tại nơi có nguy cơ cao
Nhiều ngày nay, ông Trần Thiện Chương, chủ trang trại GSGC ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) yêu cầu nhân công tại trang trại thường xuyên chăm sóc đàn gà đẻ lấy trứng và gà thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết. Ông cùng với hai nhân công phun thuốc tiêu độc khử trùng (TĐKT), rải vôi quanh chuồng trại, tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng, vitaminC cho đàn gà và lợn. Hình nộm được ông xây dựng quanh chuồng trại, kết hợp xua đuổi chim chóc vào tìm kiếm thức ăn, tránh nguy cơ lây dịch.
Ông Chương chia sẻ, với các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn hàng ngàn con đều không chủ quan vì chi phí đầu tư lớn, thường triển khai tốt các quy định về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC. Điều ông Chương lo ngại hiện nay là, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới trăm con thường chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Khi dịch xảy ra tại GC nuôi nhỏ lẻ sẽ có nguy cơ lây lan sang các trang trại, gia trại quy mô lớn.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, trên địa bàn huyện có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi GSGC có quy mô lớn từ hàng trăm con đến hơn 10 ngàn con trở lên. Một số loại dịch bệnh nguy hiểm như DCGC, lở mồm long móng, tai xanh… hiện cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng với nhu cầu nhập sản phẩm, GSGC sống tại nhiều tỉnh, thành vào địa bàn tỉnh tiêu thụ trong dịp tết khiến nguy cơ lây lan dịch rất cao.
Những ngày giáp tết này, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các trang trại, gia trại trên vùng rú cát Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thái và các hộ nuôi nhỏ lẻ nhằm có biện pháp hỗ trợ biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Với các đối tượng GSGC nhỏ, mới nuôi đang tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh. Riêng GSGC thương phẩm, phục vụ tiêu thụ trong dịp tết đã được tiêm vắc-xin trước đó, hiện đang được giám sát chặt chẽ và triển khai TĐKT chuồng trại, kết hợp với chăm sóc, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ được cán bộ thú y, cán bộ thôn nhắc nhở, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức nhằm bảo vệ an toàn, không để xảy ra dịch.
Kiểm tra sản phẩm sau giết mổ tại lò mổ Bãi Dâu
TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, khi xảy ra DCGC và các loại bệnh trên gia súc như lở mồm long móng, lợn tai xanh… có nguy cơ lây lan rất nhanh. Dịch bệnh GSGC không chỉ lây lan trong một khu vực nhỏ hẹp mà có thể lây lan nhanh trên diện rộng, từ địa phương này sang địa phương khác, tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí nước này sang nước khác thông qua nhiều nguồn lây khác nhau.
Dịch cúm A/H5N2 và các chủng vi rút cúm GC thể độc lực cao khác tại nhiều nước có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, thông qua chim di cư. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra 120 ổ DCGC tại 32 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy khoảng 450 ngàn con GC, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân công lực lượng bám địa bàn, cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tại các vùng nuôi, hộ nuôi GSGC trên địa bàn tỉnh để vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiêm vắc-xin, TĐKT. Chi cục cũng đã cấp phát hàng chục ngàn lít hoá chất về các địa phương tổ chức TĐKT chuồng trại, các khu vực, điểm giết mổ GSGC tập trung và những nơi có nguy cơ tái bùng phát dịch.
Tại các chốt kiểm dịch phía bắc, nam và trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ luôn có 2-3 cán bộ thú y, phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn phương tiện vận chuyển GSGC để TĐKT và kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, an toàn trước khi qua chốt, đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40 ngàn con trâu, bò, khoảng 125 ngàn con lợn và 4 triệu con GC; sản lượng thịt hơi ước đạt 20 ngàn tấn. Trong điều kiện an toàn dịch bệnh, đây là nguồn thực phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết cổ truyền.