Vụ hè-thu 2021, toàn tỉnh gieo trồng 15.756ha lúa và hơn 2.700ha cây trồng các loại. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung chăm sóc cây trồng, ngăn chặn dịch hại, bảo đảm đủ nước tưới để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), vụ hè-thu 2021, toàn tỉnh gieo trồng 15.756ha/16.000ha lúa, 497ha ngô, 533ha đậu các loại, 359ha lạc, 811ha rau, 215ha khoai lang…
Đến thời điểm hiện tại, các loại cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với cây lúa, lúa trà đầu đang giai đoạn trổ. Lúa trà chính vụ, trà muộn đang đẻ nhánh rộ-đứng cái, làm đòng. Các giống lúa chủ lực được gieo trồng là PC6, HT1, ĐB6, ĐV108... Bên cạnh đó, người dân cũng đã đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới triển vọng, như: ST24, Phong Nha 99, QS447…
Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết để làm cỏ, bón phân, theo dõi dịch bệnh… nhằm bảo đảm vụ mùa thắng lợi.
Vụ hè-thu năm 2021, toàn tỉnh chuyển đổi 144ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu, vừng, dưa hấu, mướp đắng… Trong đó, Quảng Trạch 45ha, Bố Trạch 30ha, Quảng Ninh 25ha, Lệ Thủy 23ha, Tuyên Hóa 15ha, TX. Ba Đồn 6ha.
Ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm, xen canh, luân canh có hiệu quả; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các loại cây trồng đặc thù. Nhờ đó, toàn bộ diện tích cây trồng ở những vùng chuyển đổi đều phát triển tốt.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Minh Hóa cho biết, vụ hè-thu năm nay, huyện Minh Hóa gieo trồng hơn 1.208ha cây trồng các loại, đạt 76,36% so với kế hoạch. Hiện tại, trên các cánh đồng, bà con đang làm cỏ, theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Để chủ động nguồn nước tưới, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương, xây dựng phương án điều tiết nước tưới, phương án chống hạn ngay từ đầu vụ. Đơn vị cũng đã cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn bà con chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
Đến thời điểm hiện tại, các loại cây trồng vụ hè-thu đều sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến diện tích cây trồng này sẽ thu hoạch trước ngày 30-8 với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng” để tránh lũ sớm.
Vụ hè-thu năm 2021, huyện Lệ Thủy gieo trồng 1.597ha lúa, 172ha khoai lang, 71ha ngô, 105ha lạc… Hiện, huyện Lệ Thủy đã thu hoạch hơn 5.000ha/7.741ha lúa tái sinh, năng suất đạt 22,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 17.494 tấn.
Ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho hay: “Cây trồng vụ hè-thu thường có thời gian sinh trưởng ngắn. Do đó, việc chăm sóc ngay từ đầu để giúp cây trồng phát triển tốt, kháng bệnh cao luôn được ngành Nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo sát sao đến người dân. Hiện nay, do thời tiết thay đổi thất thường nên các loại sâu bệnh, như: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy lưng trắng sẽ có nguy có bùng phát. Vì thế, huyện cũng đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc cây trồng và kịp thời phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt với kỳ vọng vụ hè-thu đạt năng suất cao”.
Thông tin từ Chi cục TT-BVTV cho biết, hiện nay, do thời tiết không thuận lợi nên nhiều diện tích cây trồng hè-thu bị các loại sâu bệnh phá hại. Trên cây lúa: Có 250ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, hơn 382ha bị chuột phá loại, 221ha nhiễm bệnh khô vằn, 172ha nhiễm rầy lưng trắng, 15ha sâu đục thân, 42ha nhiễm bệnh bạc lá. Trên cây ngô xuất hiện sâu ăn lá, tập trung chủ yếu ở huyện Minh Hóa, mật độ sâu phổ biến 2-3 con/m2. Sâu ăn lá trên cây rau cũng đã xuất hiện rải rác tại các địa phương, mật độ sâu phổ biến 3-5 con/m2.
Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV cho biết, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo thời gian tới, sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa và các loại cây trồng khác. Để bảo vệ các loại cây trồng vụ hè-thu, Chi cục TT-BVTV đề nghị các địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn và bà con nông dân tập trung, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp, như: Thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp. Khi sâu bệnh đến ngưỡng phải thực hiện phun trừ, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
“Để sản xuất vụ hè-thu 2021 đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, người dân cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng xuất cây trồng; theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng để bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật; áp dụng công nghệ sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Ngoài ra, các địa phương theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp phòng, chống hạn cho những diện tích có nguy cơ thiếu nước; chủ động thu hoạch nhanh những diện tích lúa đã chín, tránh thiệt hại do mưa bão có thể xảy ra”, ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.