|
  • :
  • :

Lệ Thủy: Chuyển đổi đất trồng lúa, nâng cao giá trị kinh tế

Những năm gần đây, huyện Lệ Thủy đã tập trung chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi và trồng các loại cây khác. Qua chuyển đổi, những loại cây trồng, vật nuôi mới cơ bản thích ứng với các điều kiện sinh trưởng nên phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi và trồng các loại cây khác, các địa phương đã rà soát diện tích đất cần chuyển đổi và được tỉnh, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ về giá giống, kỹ thuật, phân bón. Trung bình mỗi ha đất chuyển đổi có cam kết lâu dài, huyện hỗ trợ 3 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng.
 
Ngoài ra, một số bà con được hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển đổi mới với từ 10 đến 40 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi được trên 350ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây, con khác. Riêng trong năm 2021, huyện Lệ Thủy đã thực hiện chuyển đổi gần 40ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi, trồng các cây, con có thu nhập cao hơn như: Ớt, ngô, rau, dưa hấu, mía, khoai lang, sen, cá, vịt…
 
Nhiều diện tích đất sau khi được chuyển đổi cho thu nhập cao gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa, như: Trồng sen kết hợp nuôi cá, ếch, vịt và kinh doanh dịch vụở xã Liên Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, Sơn Thủy… cho lãi ròng mỗi năm từ 200 đến 250 triệu đồng/ha; trồng dưa hấu cho năng suất đạt hơn 18 tạ/vụ/ha, lãi mỗi năm gần 200 triệu đồng/ha tại xã Lộc Thủy, Dương Thủy; trồng mía lãi mỗi năm khoảng 120 triệu đồng/ha ở xã Phú Thủy...

Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa hấu của ông Trần Văn Phi (xã Lộc Thủy, Lệ Thủy) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa hấu của ông Trần Văn Phi (xã Lộc Thủy, Lệ Thủy) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã góp phần giải quyết được tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, giảm áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại, cải tạo đất, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.
 
Anh Trần Văn Thuật, thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy phấn khởi: “Được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ, tôi đã chuyển đổi 1,5ha đất trồng lúa sang trồng mía. Để trồng được mía, cần phải đào hố sâu, trồng đúng kích thước và bón phân vô cơ, tưới đủ nước trong quá trình mía sinh trưởng. Mía trồng đúng kỹ thuật sẽ thu hoạch được 3 lứa (1 lứa/năm). Sau khi thu hoạch, tôi thấy mía cho năng suất và hiệu quả gấp 5 lần so với trồng lúa. Sắp tới, tôi sẽ chuyển đổi thêm 2,2ha đất trồng lúa của mình sang trồng mía, đào ao nuôi cá và cua đồng để tận dụng nguồn thức ăn từ lá mía”.
 
Năm 2019, anh Thuật đầu tư trên 500 triệu đồng chuyển nhượng 3,7ha đất trồng lúa tại thôn Phú Xuân. Năm đầu tiên trồng lúa nhưng không mấy hiệu quả, anh đã quyết định chuyển 1,5ha sang trồng mía. Trong quá trình chuyển đổi, anh được tỉnh, huyện hỗ trợ 12 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn cử cán bộ về tận nơi hỗ trợ về kỹ thuật, cách chăm sóc nên mía ngày càng phát triển tốt. Hiện toàn bộ diện tích mía đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, mang lại thu nhập cho anh gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Trần Văn Thuật (xã Phú Thủy, Lệ Thủy) chăm sóc ruộng mía

Anh Trần Văn Thuật (xã Phú Thủy, Lệ Thủy) chăm sóc ruộng mía.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, ông Trần Văn Phi, ở thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy đã chuyển đổi 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ. Trước khi chuyển đổi, ông Phi phải ký cam kết chuyển đổi lâu dài và được huyện, tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi, ông Phi trồng được mỗi năm hai vụ dưa hấu (vụ đông-xuân và vụ hè-thu). Năng suất dưa hấu năm nay ước đạt 18 tấn/ha, giá bán từ 12-15 nghìn đồng/kg, giúp gia đình ông Phi thu lãi ròng gần 200 triệu đồng.
 
Ông Trần Văn Phi chia sẻ: “So với trồng lúa thì trồng dưa hấu mang lại hiệu quả hơn nhiều lần. Cây dưa trồng trên đất này rất phù hợp, có quả to, ngọt. Nhờ có nguồn nước lũ thau chua, rửa phèn nên dưa có thể trồng liên tục từ năm này qua năm khác chứ không phải trồng lúa-dưa luân phiên như các nơi. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất giữa hai vụ, tôi phải đổi luống (vụ làm luống ngang, vụ làm luống dọc) để cải tạo lại đất, hạn chế sâu bệnh cho dưa. Vụ đông-xuân sắp tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi 0,5ha đất lúa còn lại sang trồng dưa hấu”.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy khẳng định: “Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác đã giúp nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm thêm cho bà con. Để tăng giá trị các cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất sau khi chuyển đổi, chúng tôi cũng đã hướng dẫn các địa phương chọn vùng đất phù hợp với từng loại cây trồng, có thị trường tiêu thụ ổn định, tăng cường đầu tư thâm canh, sản xuất đúng quy trình để bảo đảm năng suất, bán được giá cao. Mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2025 sẽ chuyển đổi thêm 300ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác”...
 
Ngoài chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi khác, huyện Lệ Thủy còn vận động, hỗ trợ bà con chuyển đổi được trên 100ha đất rừng sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi, bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Đến năm 2025, huyện sẽ phấn đấu chuyển đổi thêm 400ha đất trồng rừng sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi. Năm 2021, huyện cũng đã hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật và hàng rào diệt chuột cho người dân chuyển đổi 560ha lúa tái sinh sang lúa hè-thu. Hiện một số diện tích lúa chuyển đổi đã thu hoạch, năng suất đạt khoảng 52 tạ/ha, cao hơn gấp đôi năng suất lúa tái sinh.
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202108/le-thuy-chuyen-doi-dat-trong-lua-nang-cao-gia-tri-kinh-te-2192943/