|
Chị Kim trồng nấm bào ngư theo phương pháp treo bằng dây |
Được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Nhơn, chúng tôi liên hệ với chị Kim để biết thêm về mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình. Đây là một trong những mô hình được cán bộ địa phương đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển, nhân rộng cho người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Chị Kim kể rằng: “Vì làm lúa theo mùa vụ, nên trước đây, thời gian nhàn rỗi tôi trồng nấm rơm để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của gia đình. Tuy nhiên, tình cờ trong một lần tôi đi xem mô hình trồng nấm bào ngư của một số hộ trong huyện, nhận thấy mô hình này hay, có thể tăng thu nhập giúp gia đình trang trải cuộc sống. Hơn nữa, nấm bào ngư cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên, nên tôi đã lấy kinh nghiệm trồng nấm trước đó, tự tìm tòi thêm kiến thức, theo dõi trên các trang mạng xã hội về cách trồng nấm bào ngư đạt hiệu quả”, chị Kim nói.
Đầu năm 2021, với nguồn vốn của gia đình và vay mượn thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội gia đình chị Kim đã xây dựng nhà nấm với diện tích 1.000 m2 và mua máy bơm tưới nước làm mát, mua phôi, meo nấm bào ngư về trồng.
Với diện tích trên, nếu sử dụng hết công suất có thể chứa được hơn 2 ngàn phôi nấm được mua từ nguồn giống ở Đắk Lắk. Chị Kim bộc bạch: “Trồng nấm bào ngư tuy nhẹ vốn so với một số mô hình sản xuất khác, công lao động ít, nhưng đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu về quy trình kỹ thuật. Việc bố trí mật độ phôi đến việc điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm trong nhà nấm cũng phải thích hợp thì nấm mới phát triển tốt. Do lúc đầu chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cũng đã gặp phải khó khăn, nhưng sau thời gian thực hiện, đến nay mô hình cơ bản thành công, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.
Quy trình sản xuất nấm bào ngư khá đơn giản, phôi nấm mua về được treo lên thành từng dây đứng tựa sát vào nhau, mỗi dây khoảng 14 bịch phôi, phôi đặt nằm ngang, chiều cao mỗi dây khoảng 2 m. Ở giữa mỗi bịch phôi có chừa một lỗ tròn để nấm mọc mầm. Đối với phôi sử dụng lần đầu, miệng phôi được đậy bằng giấy báo, khoảng 10 - 15 ngày, thấy phôi bắt đầu lú mầm thì mở giấy báo ra, tưới nước.
Ngoài ra, sau mỗi đợt thu hoạch phải vệ sinh nắp phôi nhằm hạn chế các loại bệnh gây hại. “Bệnh trên nấm bào ngư chủ yếu là mốc đen, mốc xanh, mốc cam. Các loại bệnh này không phải do môi trường, chủ yếu là do meo và phôi nấm nên trong quá trình trồng cần phải lựa chọn những nhà cung ứng uy tín, chất lượng” - chị Kim cho biết.
Về nhà trại thiết kế phải tuyệt đối sạch sẽ, tránh xa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nguồn nước tưới phải khử phèn, nhà trồng được che chắn kỹ, bao lưới tuyệt đối chắn được côn trùng. Quan trọng nhất là phải nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường. Để duy trì nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, gia đình chị Kim tưới 3-4 lần mỗi ngày, thời gian tưới 3-5 phút.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng hàng của chị chủ yếu là phục vụ người ở địa phương. Tuy nhiên, chị Kim cho biết, trên thị trường hiện nay, nấm bào ngư tiêu thụ khá mạnh và giá cả ổn định khoảng 30.000 đồng/kg. Với diện tích nhà nấm nói trên, chị Kim trồng trên 2 ngàn bịch phôi, sau khi trừ chi phí, mỗi bịch phôi thu lợi nhuận khoảng 4.000 đồng.
Với hiệu quả từ mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình chị Kim, nhiều nông dân trên địa bàn xã tìm đến học tập, trao đổi kinh nghiệm và được chị nhiệt tình hướng dẫn. Chị Kim cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại để phát triển loại cây trồng đầy tiềm năng này.
Chị Hà Thị Thanh Hương - Chủ tịch Hội LHPN xã An Nhơn cho biết, để khích lệ phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, mô hình trồng nấm của chị Kim đã tạo động lực, động viên tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh để làm giàu chính đáng, phát huy khả năng sáng tạo, năng động trong lao động sản xuất, dám nghĩ, dám làm. Cũng trong thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục chỉ đạo các chi hội rà soát nắm chắc nhu cầu, điều kiện của hội viên, từ đó lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp và hỗ trợ nguồn lực thực hiện mô hình sinh kế, hướng dẫn chị em sử dụng nguồn vốn hợp lý và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.