|
  • :
  • :

Mùa vàng Cát Tiên

Đến thời điểm hiện tại, huyện Cát Tiên đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa vụ Hè thu. Trên những cánh đồng vừa trơ gốc rạ, mùi lúa mới vẫn thơm lừng, quyện trong câu chuyện đầy phấn khởi của bà con nông dân. Dù diễn ra trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay, người trồng lúa huyện Cát Tiên vẫn có một vụ lúa được mùa, được giá.

Thu hoạch lúa Hè thu tại xã Quảng Ngãi
Thu hoạch lúa Hè thu tại xã Quảng Ngãi
 
Vụ lúa Hè thu năm nay, diện tích gieo trồng toàn huyện Cát Tiên có trên 3.500 ha, sản lượng 21.000 tấn, năng suất bình quân đạt 59,7 tạ/ha. Ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Vụ mùa này, nông dân trên địa bàn huyện rất vui mừng, phấn khởi, bởi cùng với sự đồng hành và can thiệp kịp thời từ chính quyền cũng như các doanh nghiệp, HTX, lúa gạo thu hoạch được không bị rơi vào tình trạng ùn ứ hay bị thương lái ép giá.
 
Theo ông Trừng, ngay từ đầu vụ thu hoạch, khi địa phương lân cận là huyện Đạ Tẻh xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, huyện Cát Tiên đã vận động các HTX chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất như máy sấy, kho chứa,... đề phòng trường hợp việc lưu thông gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh căng thẳng thì phải tiến hành sơ chế, chế biến để dự trữ ngay tại địa phương, giảm thiệt hại cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, HTX lưu thông hàng hóa bằng cách trao đổi, thống nhất với các huyện có phương tiện đi qua hoặc chở hàng tới giúp đỡ, hỗ trợ. Đồng thời, tiếp cận các văn bản chỉ đạo của cấp trên về phương án vận chuyển, cấp làn xanh, thu thập thông tin, có phương án cho tài xế ở tập trung, chủ động liên hệ với các đầu mối thu mua nông sản để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ.
 
Từ đầu tháng 7, UBND huyện Cát Tiên đã ra văn bản gửi các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và UBND huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ các phương tiện lưu thông, tiêu thụ lúa gạo của Cát Tiên vào địa bàn các huyện. Đồng thời, UBND huyện cung cấp thông tin về tên tuổi tài xế và phụ xe, cũng như số biển kiểm soát của các phương tiện để các địa phương tiện theo dõi. Việc tiêu thụ lúa gạo thông qua đầu mối là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tiến Thắng (xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên). 
 
Gần một tháng nay, lò sấy của gia đình chị Doãn Thị Toan - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tiến Thắng hoạt động hết công suất suốt ngày đêm, với khoảng 20 lao động. Vụ Hè thu này, chị Toan đã tiêu thụ cho bà con nông dân trên 2.000 tấn lúa. Mỗi ngày, chị xuất ra thị trường khoảng trên dưới 100 tấn lúa tươi. Thị trường chủ yếu là huyện Đạ Tẻh và Tân Phú (Đồng Nai), ngoài ra còn có Bảo Lâm, Bảo Lộc, Bình Phước,...
 
Theo chị Toan, lúa năm nay được mùa, giá cao so với vụ Hè thu mọi năm, trung bình 5.000 đồng/kg lúa tươi, nhưng khâu vận chuyển khó hơn. Khi mới vào mùa thu hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên đã chủ động liên lạc để ra phương án hỗ trợ HTX vận chuyển lúa đi các địa phương khác. “Những ngày dịch bùng phát, nhất là khi ở Đạ Tẻh xuất hiện ca dương tính đầu tiên, bà con ở đây xôn xao cả lên. Ai cũng lo dịch thế này thì không bán được lúa, HTX không tiêu thụ được. May mắn là huyện quan tâm kịp thời, hỗ trợ chúng tôi giấy tờ đủ thủ tục nên xe hàng đi khá thuận lợi” - chị Toan cho biết.
 
Vụ lúa mọi năm, gia đình chị Toan chỉ bao tiêu sản phẩm lúa chủ yếu cho nông dân 4 xã Mỹ Lâm, Nam Ninh, Tiên Hoàng, Gia Viễn. Tuy nhiên, năm nay, trước tình hình dịch bệnh, một số thương lái lợi dụng tình hình để ép giá, gây khó dễ cho người dân, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tiến Thắng tiêu thụ thêm lúa của nhiều nông dân các xã khác. Chị Toan chia sẻ: “Tôi cũng là người nông dân, hiểu được hạt lúa làm ra vất vả, cực nhọc thế nào, giờ bà con không bán được nữa thì khổ lắm, nhất là trong những ngày dịch bệnh như thế này”. 
 
Vụ Hè thu năm nay, gia đình chị Vũ Thị Trang (thôn Ninh Đại, xã Nam Ninh) có hơn 8 sào trồng lúa, với năng suất tương đối ổn. Chị kể, hồi mới nghe tin dịch, dân tình hoang mang, lo lắng lắm. Nhiều người còn định gặt tươi bán đi chứ sợ đến lúc lúa chín mới gặt thì không bán được nữa. “Làm lúa vốn đã chẳng có lời, được chân ruộng đẹp thì mỗi năm còn trồng được 3 vụ, vừa đủ ăn và trang trải tiền phân tro, cày bừa. May mà lúa làm ra bao nhiêu bán hết chừng đó, chúng tôi chỉ sợ bị tồn trong nhà thì khốn đốn lắm” - chị Trang nói.
 
Ông Trần Quang Trừng cho biết: Tới thời điểm hiện tại, có thể khẳng định vụ Hè thu trên địa bàn huyện Cát Tiên cơ bản thắng lợi, cả về năng suất, sản lượng và giá cả đều tăng so với cùng kỳ các năm. Bên cạnh lúa gạo, UBND huyện Cát Tiên cũng đã tiến hành hỗ trợ nông dân và các HTX tiêu thụ các loại nông sản khác như kén tằm, trái cây, cây giống,... Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xây dựng kịch bản, khuyến khích các địa phương trong huyện tăng diện tích cây ngắn ngày tối thiểu 5% trên tổng diện tích để phục vụ nhu cầu tại chỗ, cũng như hỗ trợ cho các địa phương bạn trong tình hình dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/mua-vang-cat-tien-3072760/