|
  • :
  • :

Gầy dựng thương hiệu cho miệt quê

Quyết định từ bỏ cuộc sống nơi phố thị náo nhiệt, với một công việc ổn định và mức thu nhập khá cao, Bế Thị Thu Huyền (Tổ dân phố 10, thị trấn Phước Cát) trở về quê hương với mong muốn xây dựng nên thương hiệu ca cao - một sản phẩm được tạo ra từ loại cây vốn bình dị, gần gũi với người dân Cát Tiên. Và Bản Cacao là tên gọi thân thương Huyền đặt cho thương hiệu sản phẩm.

Mang sản phẩm ca cao quê hương lên sàn thương mại điện tử, thương hiệu Bản Cacao được bạn bè trong và ngoài nước đón nhận
Mang sản phẩm ca cao quê hương lên sàn thương mại điện tử, thương hiệu Bản Cacao được bạn bè trong và ngoài nước đón nhận
 
Cũng giống như bạn bè đồng trang lứa, Thu Huyền từng theo đuổi giấc mơ an cư lạc nghiệp ở Sài Gòn. Để ấp ủ cho những hoài bão của mình, năm 2011, cô gái 29 tuổi ấy thi đậu vào Học viện Bưu chính Viễn thông TP Hồ Chí Minh với ngành học là Kế toán. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp, Huyền trở thành nhân viên văn phòng cho một công ty Nhật Bản. 
 
Gặp chúng tôi, Thu Huyền không ngần ngại chia sẻ: “Những ngày tôi tranh thủ về thăm nhà, thấy bà con trồng và thu hoạch ca cao rất vất vả từ khâu chăm sóc đến việc tìm đầu ra vậy mà nguồn thu về chẳng được bao nhiêu. Luôn tự đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng ở đây với nguồn nguyên liệu sạch, dồi dào như thế, vậy tại sao người dân không tận dụng để làm ra một sản phẩm mang thương hiệu cho quê nhà, mà thay vào đó bà con lại phải chạy đôn chạy đáo để tìm thương lái bán với giá rẻ”.
 
Sáu năm học tập, bốn năm ra trường với một công việc ổn định, đầu năm 2021, Thu Huyền quyết tâm bỏ lại mọi thứ và trở về quê. Quay về khởi nghiệp với số tiền tiết kiệm trong những năm tháng làm việc, Huyền cùng hai người bạn chung vốn để mua máy móc và bắt đầu hành trình hoàn thiện cho “đứa con tinh thần” của mình. 
 
Từ công việc văn phòng chuyển sang làm nông nghiệp, Thu Huyền gặp không ít khó khăn. Thế nhưng theo Huyền, làm bất kỳ ngành nghề gì cũng phải đối mặt với vất vả nhưng quan trọng là cách bản thân nhìn nhận vấn đề theo hướng tiêu cực hay tích cực. “Thời gian mới về khó lắm, nhất là khoản đi tìm nguồn nguyên liệu. Mặc dù lúc ấy người dân ở đây trồng cũng khá nhiều, nhưng tùy chỗ, có nơi thì chỉ bán cho thương lái, còn có nơi lại bán với số lượng ít, hoặc chất lượng không như mình mong muốn”, Thu Huyền giãi bày.
 
Để tạo ra bột cacao nguyên chất, Thu Huyền bật mí: Sau khi thu hoạch, công đoạn lên men là quá trình quan trọng đầu tiên trong việc quyết định chất lượng hạt ca cao. Những hạt ca cao với phần thịt quả còn tươi, mình sẽ bỏ vào thùng kết hợp với lá chuối để ủ lên men trong vòng 7 ngày. Khi vi khuẩn và men có trong không khí sẽ tự phân hủy phần thịt quả để tạo ra thành phần chính là giấm; đồng thời bắt đầu chuyển màu và có mùi chocolate. Khi ấy, mùi hương tăng còn độ đắng thì giảm và hạt chuyển sang màu nâu đỏ sẫm. Lúc này những hạt ca cao đã sẵn sàng cho quá trình tiếp theo là làm khô. Hạt ca cao thường được xếp lên khay phơi nắng hay sấy bằng lửa nhỏ. Quá trình này thường mất khoảng 10 tới 20 ngày, và sau đó hạt sẽ được phân loại theo kích cỡ to nhỏ khác nhau, hạt càng to càng đắt. Đến công đoạn rang hạt, đòi hỏi phải theo dõi khắt khe bởi lẽ nếu rang quá nóng sẽ làm hỏng hương vị tự nhiên. Nhiệt độ trong suốt quá trình rang phải được tính toán sao cho phù hợp với từng loại hạt riêng biệt. Tiếp đến là quá trình sàng hạt làm vỡ hạt, loại bỏ đi phần vỏ vốn nhẹ hơn hạt. Và bước cuối cùng là xay nhỏ ra thành bột ca cao.
 
Làm thành phẩm, ngoài giới thiệu thương hiệu Bản Cacao thông qua bạn bè, trang facebook cá nhân... cô gái đồng bào dân tộc Tày còn đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử với mong muốn sản phẩm được bạn bè quốc tế đón nhận. Mặc dù thời gian ra mắt chưa được lâu và do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song sản phẩm của Huyền đều được khách hàng trong và ngoài nước như Singapore hay Malaysia liên tục đặt hàng bởi chất lượng sản phẩm tốt, không chất bảo quản và không có phụ gia. 
 
Không dừng lại ở sản phẩm bột ca cao với giá bán hiện tại là 350.000 đồng/kg bột, Thu Huyền còn bán thêm bơ ca cao với giá là 400.000 đồng/kg; ca cao ngòi 320.000 đồng/kg; bơ đậu phộng không đường 120.000 - 200.000 đồng/kg và có đường là 85.000 - 130.000 đồng/kg. Huyền thông tin thêm, thời gian này cô đang nghiên cứu để sớm cho ra mắt sản phẩm chocolate.
 
Song hành cùng việc xây dựng thương hiệu Bản Cacao, Thu Huyền được Đoàn thị trấn Phước Cát gợi ý và thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất và chế biến ca cao. Với diện tích 8 ha, hiện THT có 8 thành viên đều là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và Thu Huyền đang là tổ trưởng của THT. 
 
Gắn bó với cây ca cao gần 5 năm nay, đoàn viên Hồ Thị Thùy Linh (26 tuổi, Tổ dân phố 7) giờ đây cũng đã yên tâm hơn khi tham gia vào THT. Linh cho hay, mặc dù gia đình trồng gần 1 ha ca cao nhưng cho đến nay chưa có đầu ra ổn định. Một đợt thu như thế, Linh sẽ là người chủ động tìm đến các thương lái hoặc cơ sở thu mua tại địa phương để giao bán. “Tuy nhiên, sau khi được biết đến THT này, tôi xin tham gia với mong muốn có được đầu ra ổn định. Ở đây chúng tôi cũng được vay nguồn vốn nhất định để mở rộng thêm diện tích trồng. Và đặc biệt, sau khi tham gia THT chúng tôi được tham quan một số mô hình phát triển kinh tế, từ đó có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cho nhau trong việc trồng ca cao”.
 
Chị Nguyễn Thị Phương Hòa - Bí thư Đoàn thị trấn Phước Cát cho biết: Sản phẩm của Bế Thị Thu Huyền hiện đang được UBND huyện làm hồ sơ để xét xây dựng là sản phẩm OCOP cho địa phương. Việc Huyền từ một cô gái đã có công việc ổn định tại một thành phố lớn nhưng chọn lựa quay trở về để xây dựng thương hiệu riêng trên chính mảnh đất mình sinh ra là một trong những yếu tố cần để thanh niên địa phương mạnh dạn hơn trong việc khởi nghiệp tại quê nhà. Hiện sản phẩm của Huyền cũng được Đoàn thị trấn Phước Cát lựa chọn là mô hình điểm để từ đó tạo điều kiện thuận lợi vận động ĐVTN trở về địa phương phát triển kinh tế.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/gay-dung-thuong-hieu-cho-miet-que-3091877/