|
Thành phần hợp chất Glyphosate có thể gây ung thư cho con người nên bị cấm sử dụng trong các sản phẩm hoa cắt cành xuất khẩu |
Thời gian qua, hoa Đà Lạt gặp khó trong xuất khẩu sang Australia do vướng quy định mới của Việt Nam cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate do thành phần hợp chất Glyphosate có thể gây ung thư cho con người. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã thông tin: Việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate đã được ra quyết định từ tháng 4/2019 và có lộ trình cụ thể, trong suốt 2 năm vừa qua. Sau ngày 30/6/2021, Việt Nam mới chính thức cấm sử dụng hoạt chất này. Các quy định thông tư này đã được Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật phổ biến rất rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, những doanh nghiệp kể cả nhập khẩu và phân phối.
Được biết, trước thời điểm ngày 30/6/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã liên tục có các văn bản về lộ trình cấm hoạt chất Glyphosate đến các đơn vị, tổ chức, địa phương có lượng rau, hoa, quả dùng để xuất khẩu lớn, trong đó có Đà Lạt nói chung và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm nói riêng. Hiện nay, hoa của Việt Nam xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới, trong đó có Australia. Trong những loại hoa xuất khẩu đến Australia cũng chỉ có 2 loại là hoa cúc và hoa cẩm chướng được yêu cầu xử lý cắt cành phải sử dụng một lượng rất nhỏ hoạt chất Glyphosate để ngâm cành hoa trong 20 phút nhằm triệt tiêu sự nảy mầm. Yêu cầu này từ phía Australia là để ngăn cấm mọi sinh vật, thực vật ngoại lai có thể xâm nhập Australia. Phía bạn đã nghiên cứu rất kỹ nên kết quả cho thấy, trong tất cả các loại hoa nhập khẩu, khả năng nảy mầm sau khi vào nội địa phía Australia chỉ có hoa cúc và hoa cẩm chướng.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Bộ NN&PTNT, về sử dụng các hoạt chất khác thay thế cho hoạt chất Glyphosate trong xử lý mầm hoa cắt cành xuất khẩu. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho biết: Cử tri là bà con nông dân trồng hoa xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng rất hoan nghênh sự quyết liệt chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT đã chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp Úc để xử lý việc sử dụng các hoạt chất khác thay thế cho hoạt chất Glyphosate trong xử lý mầm hoa cắt cành xuất khẩu. Phía Úc đã thông tin đánh giá sơ bộ về kết quả thử nghiệm xử lý triệt mầm hoa cắt cành trên hai hoạt chất thuốc trừ cỏ Diuron và Glufosinate ammonium mà Việt Nam cung cấp. Việc tiến hành thử nghiệm để có báo cáo kết quả phải mất thời gian từ 6 đến 9 tháng; như vậy, niên vụ xuất khẩu hoa trong những tháng cuối năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến bà con nông dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu hoa vốn đã chịu thiệt hại to lớn từ đại dịch COVID-19.
Nhằm bảo đảm thị trường xuất khẩu hàng triệu cành hoa từ năm 2022 và các năm tiếp theo sang Úc, đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đẩy nhanh đàm phán công nhận các hoạt chất mới thay thế Glyphosate để bà con nông dân và doanh nghiệp trồng hoa khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương.
Một vấn đề nóng khác cần tháo gỡ cho nông dân và doanh nghiệp Lâm Đồng hiện nay đó chính là về trứng giống tằm. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cũng đã có kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, sớm đưa Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu giống tằm tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vào vốn đầu tư công trung hạn.
Thực tế khó khăn nhất hiện nay vẫn là giống tằm. Lâm Đồng và một số tỉnh miền Bắc như Mộc Châu, Sơn La đều nuôi tằm lưỡng hệ nhưng lại không có nơi sản xuất giống tằm. Hơn 90% giống tằm hiện tại được các tư thương nhập từ Trung Quốc, rồi phân phối cho các hộ nuôi tằm con bán lại. Trứng tằm được nhập chủ yếu theo đường tiểu ngạch, phi mậu dịch nên độ rủi ro cao. Trứng tằm nhập từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang cửa khẩu Móng Cái (Lạng Sơn) với khoảng cách 500 - 600 km nên quá trình vận chuyển ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trứng giống. Trong khi đó, thành phố Bảo Lộc có những điều kiện lý tưởng cho ngành tơ tằm phát triển nhưng cần tạo ra những giống tằm mới thích ứng với điều kiện của địa phương và hệ thống nuôi tằm tiên tiến.
Với tổng diện tích hơn 10.000 ha, chiếm 80% diện tích trồng dâu cả nước, Lâm Đồng hiện là tỉnh trọng điểm về trồng dâu nuôi tằm. Suốt thời gian qua, Bộ NN&PTNT và đồng chí Bộ trưởng đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri tỉnh Lâm Đồng về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trứng giống tằm, đã tháo gỡ phần nào vướng mắc trong việc nhập khẩu trứng tằm vào Việt Nam. Hiện nay, do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc giao thương, đi lại hết sức khó khăn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhập khẩu trứng giống tằm gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân; mặc khác, những giải pháp vừa qua của Bộ chỉ mang tính thời vụ, giải quyết tạm thời nên chưa đảm bảo sự chủ động, bền vững nguồn cung ứng.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo tâm huyết: Để nông dân cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng có thu nhập cao và ổn định từ nghề trồng dâu nuôi tằm; khôi phục ngành nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu Việt với mặt hàng tơ lụa; Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đề nghị Bộ NN&PTNT, đồng chí Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, xem xét, nghiên cứu, phối hợp với Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam sớm đưa Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu giống tằm tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vào vốn đầu tư công trung hạn của Bộ để ổn định nguồn giống, giúp nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.