|
  • :
  • :

Để thương hiệu ''Sầu riêng Đạ Huoai'' vươn xa

Những năm trở lại đây, cây sầu riêng đã đem lại niềm vui chung cho toàn huyện Đạ Huoai khi diện tích tăng, năng suất, chất lượng tăng, người trồng sầu riêng có thu nhập ổn định. Địa phương đã xây dựng được vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”.

 
 
Lãnh đạo xã Phước Lộc kiểm tra giai đoạn sầu riêng ra hoa tại vườn các nông hộ. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19)
Lãnh đạo xã Phước Lộc kiểm tra giai đoạn sầu riêng ra hoa tại vườn các nông hộ. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19)
Từ những năm 1920, cây sầu riêng được người Pháp chọn để trồng thực nghiệm tại huyện Đạ Huoai. Đến năm 2004, huyện có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó có chính sách hỗ trợ trồng cây sầu riêng ghép và ký kết với công ty để được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện có 3.922 ha sầu riêng, đặc biệt đã hình thành được vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại xã Hà Lâm với diện tích 300 ha, tại xã Phước Lộc với 80 ha. 
 
Có thể khẳng định, cây sầu riêng ở Đạ Huoai đã trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực đưa về nguồn thu lớn cho nông dân của huyện, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích của loại cây này cao gấp 18 lần trồng cây điều. 
 
Kết thúc vụ mùa năm 2020, toàn huyện có 2.062 ha cho thu hoạch với 26.000 tấn quả sầu riêng, trong đó có 19.200 tấn sầu riêng ghép, tổng số tiền thu về cho nông dân Đạ Huoai gần 900 tỷ đồng. Nhiều hộ có thu nhập từ trồng sầu riêng đạt từ 200 triệu đồng trở lên, trong đó có 370 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 6 tỷ đồng/năm. Điển hình như nông dân Nguyễn Minh Hồng Điệp, Nguyễn Văn Hải (Thôn 2, xã Hà Lâm), Nguyễn Phồn (Thôn 3, Hà Lâm) có thu nhập 6 tỷ đồng/năm…
 
Bên cạnh những nông hộ trồng sầu riêng cho thu nhập cao thì có hộ ông Phan Văn Dược (thôn Phước Trung, xã Phước Lộc) chủ cơ sở chế biến sầu riêng hạt lép đóng hộp, hút chân không đông lạnh Minh Hoàng Khôi, mỗi năm cơ sở chế biến trên 100 tấn quả tươi, sản xuất ra 30 tấn thành phẩm, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 20 lao động mùa vụ, tổng thu nhập hàng năm của gia đình đạt 4 tỷ đồng. 
 
Số hộ trồng sầu riêng đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) các cấp chiếm 76% (1.582 hộ) trên tổng số hộ NDSXKDG toàn huyện. Hiệu quả từ cây sầu riêng góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích của huyện giai đoạn 2015 - 2020, đạt từ 35,5 triệu đồng/ha lên 83 triệu đồng/ha, tăng 47,5 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 30,59 triệu đồng lên 43,6 triệu đồng/người/năm. Riêng xã Hà Lâm, nơi tập trung nhiều diện tích sầu riêng không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 78,6 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 179,8 triệu đồng/ha. 
 
Trước yêu cầu cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng, huyện Đạ Huoai đã xúc tiến xây dựng quy trình chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” từ tháng 6/2016, với 3 giống sầu riêng là Mongthong, Ri6 và Chín hóa.
 
Năm 2017, huyện triển khai chương trình hỗ trợ, vận động hộ trồng sầu riêng theo chuẩn thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP), năm 2018 triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sầu riêng, hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc. Kết quả đến tháng 6/2020 có 490,3 ha sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, hỗ trợ 67.150 tem truy xuất nguồn gốc được kích hoạt. Sản phẩm sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc được bán ở thị trường nội địa tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, TP Biên Hòa, Đà Lạt, Khu Du lịch Suối Tiên Mađaguôi, Khu Du lịch Lagi - Bình Thuận… 
 
Sau 5 năm triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”, huyện đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu đối với 397 hộ nông dân của các hợp tác xã và tổ hợp tác với diện tích 507,7 ha trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở các xã: Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’loa, Đoàn Kết, Đạ Tồn, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri. Sản phẩm sầu riêng được dán tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đã từng bước được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, được bán tại các cửa hàng bán nông sản sạch đồng thời có giá bán cao hơn từ 15-20% so với sản phẩm sầu riêng cùng loại. 
 
Trong năm 2019, huyện Đạ Huoai đã hoàn thiện Đề án truy xuất nguồn gốc “Sầu riêng Đạ Huoai” cung cấp cho các tổ chức, cá nhân được 822.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Năm 2020 đã cấp 48.200 tem dán trái cho 74 hộ thuộc 7 tổ hợp tác trồng sầu riêng trên địa bàn các xã Đạ P’loa, Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri. Từ đó giúp sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” tiếp cận với thị trường trong nước và nước ngoài.
 
 Đồng thời, giúp người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm và dễ dàng truy xuất thông tin của sản phẩm bằng phần mềm quét mã QR qua ứng dụng Zalo hay phần mềm Agricheck.
 
Ông Phạm Quang Chiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: Để sản phẩm đặc trưng mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” tiếp cận thị trường nước ngoài, huyện Đạ Huoai đang triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ “Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài đối với nhãn hiệu chứng nhận Sầu riêng Đạ Huoai” tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, để nâng cao năng suất, chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đạ Huoai đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh hỗ trợ một số nông hộ thí điểm canh tác sản phẩm sầu riêng theo tiêu chuẩn Global GAP và xa hơn sẽ là sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/de-thuong-hieu-sau-rieng-da-huoai-vuon-xa-3079768/