|
Diện tích hoa cắt cành vừa chuyển đổi sang trồng rau ngắn ngày ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt |
Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, khi các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ lần lượt thực hiện giãn cách xã hội để tập trung toàn lực phòng, chống COVID-19 thì giá các loại hoa ở Đà Lạt và một số vùng phụ cận tiêu thụ rất khó khăn, trong khi đó giá bán liên tục giảm xuống từng ngày. Không ít lần thu hoạch một số loài hoa cắt cành, nhất là hoa lily bị dội hàng, nhiều hộ nông dân bắt buộc phải đổ bỏ, chấp nhận một vụ mùa thiệt hại không nhỏ. Cụ thể, trên các khu vườn nhà kính diện tích 6.000 m2 trồng hoa lily của hộ bà Phạm Thị Thuần ở Phường 11, Đà Lạt trong tháng 7/2021 thu hoạch đạt sản lượng, chất lượng theo yêu cầu thị trường, nhưng giá bán ra chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí có thời điểm thu hoạch, bà Thuần phải đưa hoa lily vào bảo quản trong kho lạnh đến gần một tuần sau vẫn không bán được. “Hộ gia đình chúng tôi trồng hoa lily cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã mười năm qua, nhưng năm 2021 là năm đầu tiên gặp tình trạng hoa tồn kho, bị thua lỗ 10.000 đồng đến 12.000 đồng một cành như vậy. Trung bình 1.000 m2 trồng 30.000 củ hoa lily để thu hoạch thành 30.000 cành, mỗi cành có từ 2 - 5 bông. Nhân với 10.000 - 12.000 đồng tiền thua lỗ thì hộ gia đình tôi mất tổng cộng 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Chưa kể có những ngày thu hoạch hoa lily chỉ bán ra 2/3 sản lượng; còn lại 1/3 sản lượng buộc phải đổ bỏ...”, bà Thuần cho biết.
Nguyên nhân thua lỗ hoa lily của hộ gia đình bà Thuần vừa nêu là do thị trường đầu ra rộng lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh bị ách tắc do cần cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để các cơ quan, đơn vị và người dân tập trung chống dịch COVID-19. Để tháo gỡ khó khăn này, hộ gia đình bà Thuần chủ động đưa hoa lily lên bán trên các kênh thương mại điện tử trực tiếp và gián tiếp thông qua các đầu mối bán lẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế bước đầu, nên dự báo từ nay đến đầu tháng 9/2021, hộ gia đình bà Thuần khó có thể khôi phục được giá bán hoa lily như ban đầu - đạt khoảng 70.000 đồng/5 cành, có thời điểm lên đến 110.000 đồng/5 cành. Bởi vậy trước tình trạng này, hộ bà Thuần chưa thể quyết định xuống giống hoa lily trồng mới trên từng phần diện tích vừa thu hoạch, trước mắt cứ bỏ đất trống...
Cũng với hình thức chuyên canh hoa lily như hộ bà Phạm Thị Thuần nêu trên, ông Nguyễn Hữu Trí ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt với quy mô 5 ha nhà kính đã hoạt động hết công suất 7 kho lạnh tại chỗ mới tạm thời tránh được cảnh phải đổ bỏ sản phẩm đã thu hoạch. Bên cạnh đó, nhờ xây dựng mạng lưới liên kết tiêu thụ hoa lily từ nhiều năm qua, nên khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, hàng chục cửa hàng “vệ tinh” từ Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động các phương án phân phối sản phẩm lên các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và mở rộng xuống khu vực nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, giá hoa lily ông Trí bán ra phải giảm xuống 50% so với thời điểm chưa xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này. Trung bình mỗi ngày trong tháng 7/2021, ông Trí bán “cắt lỗ” còn một nửa giá trên tổng sản lượng khoảng 500 bó (5 cành/bó) xuống thị trường các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. “Dù thế nào, trang trại hoa lily của chúng tôi bằng mọi cách vẫn phải duy trì việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 30 - 40 lao động đã gắn bó nhiều năm...”, ông Nguyễn Hữu Trí nói.
Trước hiện trạng các loài hoa cắt cành nói chung, hoa lily giá trị kinh tế cao nói riêng phải giảm giá sâu, người nông dân thua lỗ nặng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt thứ tư này, ngay trong tháng 7 và tháng 8/2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi một số diện tích hoa cắt cành sang trồng các loại rau ngắn ngày, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động các chuỗi liên kết tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.
Kết quả đến tuần cuối cùng của tháng 7/2021, UBND thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Nông nghiệp thành phố, UBND các phường, xã tiến hành rà soát, vận động hộ nông dân đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng một số loại hoa ngắn ngày sang sản xuất gieo trồng rau ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tương tự các huyện phụ cận cũng đã và đang tổ chức chuyển đổi sản xuất phù hợp một số diện tích hoa sang rau, xác định đây là những giải pháp cấp thiết nhằm nhanh chóng khôi phục lợi nhuận sản xuất cho nông dân, góp phần cung ứng kịp thời nguồn thực phẩm rau, củ, quả tươi cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh trong điều kiện nỗ lực phòng, chống COVID-19 thời gian tới.