|
  • :
  • :

Cấp mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu

Lâm Ðồng đang tiến hành cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: cà phê, cây ăn trái, rau, củ, quả... Ðây sẽ là tiền đề để nông sản của tỉnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Sầu riêng của Ðạ Huoai được cấp mã số vùng trồng, đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng của Ðạ Huoai được cấp mã số vùng trồng, đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc.
 
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX và nông dân chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và sau thu hoạch. Chính quyền các huyện, thành phố cũng chú trọng việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản địa phương. Sản phẩm cây ăn quả sầu riêng ở Đạ Huoai là một trong những thế mạnh, có tiềm năng được kỳ vọng phát triển thành sản phẩm xuất khẩu trong tương lai. Toàn huyện hiện có trên 3.743 ha, trong đó trên 3.026 ha (chiếm 81,54%) là sầu riêng ghép chất lượng cao, diện tích thu hoạch 2.062 ha, năng suất bình quân đạt 11,97 tấn/ha, với sản lượng cung cấp ra thị trường trên 24.664 tấn. 
 
Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết, thực tế trong những năm qua, hơn 80% sản phẩm sầu riêng của Đạ Huoai đã hướng tới thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu đang được diễn ra theo đường tiểu ngạch, thậm chí dưới danh nghĩa của nước thứ ba là Thái Lan. Từ năm 2019 thị trường Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu sầu riêng qua đường tiểu ngạch, dẫn đến khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sầu riêng. Do đó, để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm ngoài việc đáp ứng các điều kiện về quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm thì vấn đề truy xuất nguồn gốc như mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến đóng gói, tem nhãn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc cần phải được nhanh chóng thực hiện. 
 
 Tương tự, đối với rau, củ, quả, ông Lê Văn Ba - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú cho biết: Với diện tích 60 ha liên kết nông dân trồng rau, củ, quả, sản lượng 5.000 tấn/năm, thị trường chủ yếu của sản phẩm là trong nước chiếm 95%, còn lại là xuất khẩu thông qua một đơn vị ủy thác. Khi thị trường trong nước bấp bênh bởi đại dịch COVID-19 thì xuất khẩu là hướng đi bền vững và ổn định hơn rất nhiều. Hiện, đơn vị đã có đối tác là Nhật Bản, Singapore, Malaysia đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu các loại rau, củ, quả, tuy nhiên phía bạn yêu cầu phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đạt chất lượng… mới đủ điều kiện quốc tế để tiêu thụ nội địa của họ. Do vậy, đơn vị vừa kiến nghị với Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng cho 10 ha diện tích sản xuất của mình. Khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm đạt chất lượng, đơn vị sẽ dịch chuyển một phần sang xuất khẩu, lúc này sản phẩm sẽ được xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác mà không thông qua đơn vị nào. Trong tương lai, xuất khẩu là hướng đi tất yếu để sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững và có giá trị kinh tế cao.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, từ năm 2019 đến nay, hoạt động hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trái cây đã được Chi cục chú trọng triển khai. Bước đầu, Lâm Đồng tập trung cho một số cây có tiềm năng xuất khẩu như sầu riêng, chanh dây, rau củ quả… Đến nay, tỉnh đã cấp được 8 mã số vùng trồng với diện tích gần 80 ha. 
 
Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những rào cản về kiểm dịch thực vật từ phía các đơn vị tiêu thụ, nhất là đối tác nước ngoài. 
 
“Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau, quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. Do đó, Lâm Đồng phấn đấu, từ nay đến năm 2025, cấp 45 mã số vùng trồng/720 ha, gồm: cà phê 8 mã/240 ha; chè 4 mã/80 ha; điều 3 mã /90 ha; sầu riêng 15 mã/150 ha; bơ 2 mã/20 ha; chuối 3 mã/30 ha... và 15 mã số cơ sở đóng gói đối với các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, ông Chiến cho biết. 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/cap-ma-so-vung-trong-cho-nong-san-xuat-khau-3082038/