Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Thu hoạch tôm tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn. Ông Ngô Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Anh Tuấn, TP Cần Thơ, chia sẻ: Xe chở hàng của công ty chúng tôi đã đăng ký “luồng xanh” nhưng khi qua mỗi địa phương lại có quy định khác nhau. Đơn cử, xe của công ty trên tuyến đường chở tôm từ huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang về Cần Thơ thì lại gặp khó không qua được phà ở huyện Tân Phú Đông. Chúng tôi phải phản ánh đến nhiều nơi, khoảng 2 tiếng sau xe mới được cho đi. Trong khi đến địa phận TP Cần Thơ thì thuận lợi hơn. Xe của Công ty cũng gặp khó khăn tương tự khi vận chuyển tôm trên tuyến đường từ tỉnh Sóc Trăng về. Điều đó cho thấy, quy định chung là một chuyện nhưng về đến địa phương lại là câu chuyện khác.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, do diễn biến dịch ngày một căng thẳng, các văn bản ban hành liên tục, nhiều nơi chưa nắm được hết gây khó khăn cho việc vận chuyển, giao thương. Điều này làm giá tôm giảm liên tục và tới thời điểm này giảm đến 30%. “Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp chế biến tôm với 38 nhà máy công suất 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” đã có tới 50 doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì không đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp hoạt động đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao. Nếu tiếp tục tình hình này không biết doanh nghiệp còn trụ nổi đến bao lâu. Trong khi đó, các hộ nuôi cũng gặp nhiều cản ngại trong việc mua thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và vật tư nuôi tôm; thiếu người thu mua tôm; nhu cầu thị trường sụt giảm…” - ông Châu Công Bằng phản ánh.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: Thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhà máy ở Cà Mau có 7.000 công nhân, giờ chỉ còn hoạt động với 1.600 công nhân; nhà máy ở Hậu Giang 6.000 công nhân giờ duy trì được 1.300 công nhân. Trong tháng 8 sản lượng tôm chế biến của chúng tôi giảm 30,8% và giá trị xuất khẩu giảm 17,74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu tính chung cả 8 tháng của năm 2021, sản lượng lại tăng 9,87% và giá trị xuất khẩu tăng 19,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Lê Văn Quang, doanh nghiệp hiện nay không phải không bán được hàng mà do không chế biến được vì thiếu công nhân, chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa lại vận chuyển khó khăn.
Chủ động nguồn tôm nguyên liệu
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 8-2021, lượng tôm bố mẹ hiện đang nuôi tại các cơ sở khoảng 55.000 con. Cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng ước đạt 106,6 tỉ con. Từ đầu tháng 7-2021, các cơ sở đã chủ động giảm sản lượng từ 30-40%. Đến 15-8, các cơ sở đã giảm sản lượng 50%, thậm chí tạm dừng hoạt động. Diện tích thả nuôi tôm thương phẩm của nước ta từ đầu năm đến nay đạt 711.766ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng đạt 585.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 187.300 tấn, tôm thẻ chân trắng 397.300 tấn. Như vậy, 8 tháng của năm 2021, sản lượng tôm tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá bán tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020, thậm chí có những vùng giá tôm giảm hơn 20.000 đồng/kg. Trước tình hình này, Tổng cục Thủy sản dự báo các tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu.
Do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi và hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm. Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu, phân tích: Một tấn rau củ quả thiệt hại chỉ 10-30 triệu đồng, nhưng một tấn tôm có thể gây thiệt hại đến 100-200 triệu đồng. Nuôi tôm xảy ra sự cố nếu không giải quyết trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ sẽ thiệt hại hàng trăm triệu đồng thậm chí cả tỉ đồng. Trong khi ngành hàng lúa gạo Nhà nước có chính sách tạm trữ, có các gói tín dụng ưu đãi thì ngành tôm hiện nay lại không có. Nếu đem so sánh bài toán rủi ro, dĩ nhiên nông dân ngán ngại không dám đầu tư thả nuôi vụ mới.
Ông Lê Văn Quang, cho biết: “Trong điều kiện thiếu công nhân như hiện nay, chúng tôi tăng cường chế biến tôm size lớn vì ít tốn công, sản lượng làm ra lại nhiều. Hợp đồng tôm cỡ 10-45 con/kg được Minh Phú ký rất nhiều với đối tác và giá bán cũng rất tốt. Vì vậy, nông dân nên thả mật độ thưa 100-120 con/m2 hoặc cao nhất là 150 con/m2 thay vì nuôi mật độ 250-300 con/m2 như trước. Hiện tại, chúng tôi mong muốn Nhà nước có giải pháp hợp lý để hàng được lưu thông thông suốt. Khi bán được hàng, nhà máy thu mua nhiều hơn, bà con bán được giá tốt sẽ mạnh dạn thả nuôi tôm vụ mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần kêu gọi thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua lượng tôm đã đến giai đoạn thu hoạch, không ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Ngành Nông nghiệp cũng cần tuyên truyền để các hộ nuôi duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ, tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Song song đó, giải pháp cấp bách hiện nay là tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng lao động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng tôm.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị: “Các ngân hàng, tổ chức tài chính cần có các khoản vay ưu đãi, vay 0% hỗ trợ nhà máy chế biến, thu mua tôm nguyên liệu, cung ứng vật tư đầu vào. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cùng kiến nghị đến các bộ ngành hữu quan đề xuất hỗ trợ tiền điện 10-30% cho hộ nuôi, trang trại nuôi tôm. Đây là những giải pháp thiết thực để hỗ trợ chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng tôm trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.