|
  • :
  • :

Khai thác tốt thị trường nội địa, gỡ khó “đầu ra” nông sản 

Nhiều loại trái cây và nông sản, nhất là thanh long, dưa hấu và mít... sắp được thu hoạch rộ tại nhiều địa phương. Trong khi đó, gần đây xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng tại các cửa khẩu liên thông với thị trường Trung Quốc do nước này hạn chế nhập khẩu hàng và siết chặt quy định thông quan hàng hóa nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Tình hình này đòi hỏi cần khai thác tốt thị trường nội địa để góp phần tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.

Đẩy mạnh tiêu thụ trái cây tại thị trường nội địa đang là yêu cầu cấp thiết. Trong ảnh: Mít Thái được thu mua và tập kết tại một vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Xuất khẩu nông sản gặp khó

Gần đây xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc lưu thông xuất khẩu hàng hóa nông sản với số lượng lớn tại các cửa khẩu phía Bắc. Ðáng chú ý, Trung Quốc cũng đã thông báo tạm dừng nhập khẩu trái thanh long của nước ta từ ngày 29-12-2021 đến ngày 26-1-2022. Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID” và ngày càng tăng cường các biện pháp giám sát COVID. Những biện pháp đó ảnh hưởng rất lớn đến thông quan hàng hóa. Hệ quả là hơn 5.000 xe chở rau quả, nông sản, thủy sản khô và đông lạnh bị ùn ứ ở khu vực biên giới.

Hằng năm, người trồng thanh long rất trông chờ vào vụ thanh long Tết - thời điểm trái vụ, để bán được giá cao. Thế nhưng, từ khi có thông tin Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các kho thu mua thanh long tại những địa phương có diện tích trồng lớn như: Bình Thuận, Long An… đã đóng cửa ngừng thu mua hoặc chỉ còn thu mua số lượng khá ít, với mức giá giảm chỉ còn 1/3 so với trước đây. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, dự kiến từ nay đến ngày 26-1-2022, tỉnh có khoảng 10.000ha thanh long cần thu hoạch, với sản lượng trên dưới 20.000 tấn. Qua rà soát, hiện các hệ thống kho lạnh trong tỉnh và hệ thống kho liên kết chỉ có thể trữ lạnh được khoảng 5.000 tấn, tức chỉ khoảng ¼ tổng sản lượng thanh long sắp thu hoạch. Tại tỉnh Bình Thuận, từ nay đến hết tháng 2-2022, dự kiến có khoảng 30% diện tích thanh long của tỉnh được thu hoạch, với sản lượng khoảng 120.000 tấn. Áp lực tiêu thụ sản phẩm là rất lớn.

Tăng cường tiêu thụ nội địa

Ðể giải quyết đầu ra cho trái thành long trong thời điểm “dầu sôi, lửa bỏng”, bà Ðinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, kiến nghị: “Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đàm phán để thông quan, kết nối xuất khẩu thanh long trở lại. Ðối với các xe chở thanh long chưa xuất được hàng tại các cửa khẩu phía Bắc, để tạo điều kiện cho xe quay đầu trở lại, rất mong các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ bến bãi để xuống hàng và tạo điều kiện để buôn bán tại nội địa, giúp giảm lỗ ở mức thấp nhất cho các doanh nghiệp. Chính phủ cần xem xét có hỗ trợ chi phí và tiền điện cho doanh nghiệp trữ lạnh hàng. Bên cạnh tăng cường chế biến và đưa hàng vào kho lạnh dự trữ, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, tỉnh rất cần sự hỗ trợ, kết nối của các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại nội địa, nhất là tại những nơi không có trồng thanh long”.

Theo ông Phan Văn Tấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, trái thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng thị trường này đang tạm ngưng nhập khẩu nên việc xuất khẩu hàng đứng trước nhiều khó khăn. Các kho lạnh trên địa bàn tỉnh chỉ có sức chứa khoảng 16.000 tấn và năng lực chế biến của doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế nên rất cần có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại nội địa. Bình Thuận rất mong các đơn vị, doanh nghiệp trong nước có năng lực chế biến và tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ nông dân tại tỉnh tiêu thụ thanh long, giúp gỡ khó cho giai đoạn hiện nay.

Tham dự diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất, chế biến nông sản và thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, nhiều đại biểu chỉ rõ thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tiêu thụ các loại trái cây và nông sản, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán 2022. Vấn đề là cần kịp thời tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện để người sản xuất đưa được các sản phẩm đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý nhất để đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, nhu cầu tiêu thụ hàng tại thị trường nội đang tăng khi bước vào cận Tết Nguyên đán nên Công ty mong muốn tăng cường hợp tác với bà con nông dân và các doanh nghiệp để tiêu thụ hàng. Công ty cũng đã khẩn trương xây kế hoạch để triển khai chương trình bán hàng không lợi nhuận đối với những sản phẩm nông sản của Việt Nam đang gặp khó trong xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây và thủy sản. Dự kiến đưa hàng vào chuỗi gần 100 siêu thị BRG MART ở 7 tỉnh, thành. Với hạ tầng công nghệ sẵn có, Công ty cũng đưa bán các mặt hàng nông sản này trên hệ thống ứng dụng bán hàng online. Ngoài  ra, Công ty cũng chuẩn bị các kho lạnh để tích trữ một số lượng đáng kể hàng thủy sản và trái cây.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc đẩy mạnh chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là rất cần thiết trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với thanh long, mít và dưa hấu. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ cũng cho biết sẵn sàng thu mua để chế biến, cung ứng cho các thị trường xuất khẩu còn tiềm năng, cũng như đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa. Do vậy, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và ngành chức năng tại địa phương cần tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ kết nối và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và đơn vị cung ứng, phân phối và bán hàng kết nối được với nhau. Chủ động chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh một cách kịp thời…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/khai-thac-tot-thi-truong-noi-dia-go-kho-dau-ra-nong-san-a142450.html