Từ nay đến cuối năm, sản lượng nông sản thu hoạch tại ÐBSCL còn rất lớn. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Ở đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông, thủy sản nói riêng tại thị trường TP Hồ Chí Minh rất lớn, nguồn cung từ các tỉnh, thành vùng ÐBSCL rất dồi dào nhưng trên thực tế từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đã và đang gặp nhiều khó khăn. Bà Ðinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết: Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đóng cửa chợ đầu mối Bình Ðiền, Hóc Môn và các chợ truyền thống tác động rất mạnh đến việc tiêu thụ nông, thủy sản bởi đây là kênh tiêu thụ chính của tỉnh. Ngoài ra, việc thương lái rút lui khỏi thị trường cũng ảnh hưởng lớn vì làm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, do yêu cầu phòng, chống dịch không được tập trung đông người, khó di chuyển giữa tỉnh này với tỉnh khác để hỗ trợ nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, chất lượng nông, thủy sản khi vào vụ thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” nhiều doanh nghiệp (DN) phải dừng hoạt động do không đáp ứng yêu cầu làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thu gom, tiêu thụ nông,
thủy sản.
Về phía nhà phân phối, bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho biết: Các bộ ngành hữu quan vào cuộc kịp thời nên việc vận chuyển hàng hóa qua các tỉnh, thành vùng ÐBSCL không còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa vẫn chưa dồi dào, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thủy sản tươi và đông lạnh. Về hàng đông lạnh, chúng tôi ký hợp đồng với các nhà máy chế biến thủy sản ở ÐBSCL nhưng do DN thực hiện “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” nên năng suất giảm mạnh, họ chủ yếu trả nợ các đơn hàng xuất khẩu đang tồn đọng. Ðối với hàng tươi sống, nông dân có xu hướng sản xuất cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư nuôi trồng nên lượng hàng tươi sống về siêu thị rất hạn chế.
Ông Ðỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết: Bình quân, mỗi tháng, Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 500 tấn cá đã qua sơ chế. Trong khi nhiều DN sơ chế, chế biến nông sản tại các tỉnh ÐBSCL đã tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19. Một số địa phương như Ðồng Tháp, An Giang đã kết nối các DN sơ chế, chế biến để cung cấp cho Saigon Co.op. Vì vậy, tôi mong muốn các địa phương khác cũng quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các DN sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm mở cửa hoạt động trở lại nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng
hàng hóa.
Với sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương cũng như nỗ lực của chính quyền địa phương một lượng lớn nông, thủy sản của ÐBSCL đã được tiêu thụ trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để hoạt động cung - cầu nông, thủy sản gặp nhau, các địa phương trong vùng phải có sự thống nhất về các giải pháp phòng, chống dịch để tạo điều kiện cho các tổ dịch vụ thu hoạch nông sản và DN, thương lái thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông, thủy sản. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, một DN đi từ TP Hồ Chí Minh về Bạc Liêu phải qua nhiều tỉnh, mỗi tỉnh có quy định khác nhau rất khó cho DN. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cần có quy định thống nhất cho các địa phương trong vùng áp dụng. Có như vậy mới tạo điều kiện cho DN, thương lái di chuyển, thu mua, tiêu thụ nông thủy sản trong vùng. Ðồng thời, các tỉnh trong vùng cần liên kết chặt chẽ với nhau và liên kết với TP Hồ Chí Minh để cùng giải bài toán sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông thủy sản một cách
hiệu quả.
Nhiều chợ truyền thống hiện nay vẫn chưa mở cửa, việc tiêu thụ nông, thủy sản hiện nay chủ yếu là các kênh hiện đại. Trong khi đó, với kênh tiêu thụ hiện đại, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm đặc biệt quan trọng. Theo ông Ðỗ Quốc Huy, đối với mặt hàng cá, Saigon Co.op kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất. Do đó, bà con cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn, quản lý từ ngành chức năng để đảm bảo chất lượng, kích cỡ, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để được thu mua nhanh chóng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng cần quy hoạch lại vùng trồng, hướng dẫn nông dân canh tác theo tín hiệu thị trường để giảm rủi ro, thiệt hại. Một số ý kiến kiến nghị, các địa phương xem xét, đánh giá tình hình để sớm mở cửa trở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống; tiếp tục có các chính sách, giải pháp hỗ trợ tín dụng, giảm lãi vay cho DN, nông dân, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, phân phối nông,
thủy sản…
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: TP Hồ Chí Minh là thị trường lớn với 10 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người khá cao. Mỗi ngày, cần nhu cầu thực phẩm từ 10.000-12.000 tấn thông qua nhiều kênh cung ứng đa dạng như chợ đầu mối, chợ lẻ, siêu thị, thương mại điện tử… Ðể tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, ngành Công Thương tiếp tục phối hợp với các hệ thống phân phối để đánh giá, tổng hợp nhu cầu thị trường, năng lực cung ứng để có thể kết nối thu mua. Vừa qua, thành phố đã cho phép sàn thương mại điện tử, các DN kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoạt động trở lại. Cùng đó, TP Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng tổ chức lại hệ thống phân phối truyền thống. Qua việc thí điểm mở lại chợ đầu mối Bình Ðiền cho thấy lượng hàng tăng lên từng ngày. Với kinh nghiệm bước đầu ở chợ Bình Ðiền, TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với một số chợ đầu mối khác, từ từ mở lại các chợ để cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân thành phố.
Bài, ảnh: MỸ THANH