Sản phẩm bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ được công nhận sản phẩm OCOP.
Gặp khó do COVID-19
Với tiêu chí “ngon và lành”, chuỗi Cửa hàng đặc sản ÐBSCL là nơi hội tụ của hơn 300 loại đặc sản của vùng ÐBSCL, trong đó, có khoảng trên 150 sản phẩm OCOP. Anh Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chủ Chuỗi cửa hàng đặc sản ÐBSCL, cho biết: Tại TP Cần Thơ, chúng tôi có 3 cửa hàng nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, chúng tôi chỉ còn hoạt động 1 cửa hàng, 1 cửa hàng nữa chỉ hoạt động 50%, cái còn lại phải đóng cửa. TP Cần Thơ đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên đối với các cửa hàng mở cửa cũng không có khách hàng đến mua trực tiếp. Hiện số lượng hàng bán ra mỗi ngày có 50% bán qua kênh Zalo, Facebook và 50% còn lại là khách hàng quen gọi điện trực tiếp để đặt hàng. Chúng tôi đang gặp khó khăn bởi doanh số bán hàng sụt giảm; mặt khác, khi chuyển qua bán online cũng gặp khó ở khâu giao nhận hàng hóa khi qua các chốt kiểm dịch.
Sau 3 năm bước chân vào thị trường, các dòng sản phẩm làm từ mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm - SokFarm (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) đã có đã có mặt trên 20 tỉnh, thành trên cả nước thông qua hơn 40 đại lý. Theo anh Phạm Ðình Ngãi, Giám đốc SokFarm, các sản phẩm chủ lực của công ty đã được chứng nhận OCOP: hạt ca cao sấy mật hoa dừa (3 sao); đường hoa dừa, nước uống mật hoa dừa (4 sao) và sản phẩm mật hoa dừa đã hoàn thiện hồ sơ gửi về Trung ương để công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. “Các dòng sản phẩm làm từ mật hoa dừa của Sokfarm nhận rất nhiều sự phản hồi tích cực từ thị trường trong nước. Trước đây, công ty bán hàng theo hình thức trực tiếp và kết nối, tìm kiếm khách hàng qua các sự kiện, hội thảo, kết nối cung cầu. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ập đến làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, kênh bán hàng trực tiếp không thể duy trì hoạt động như trước đây. SokFarm đã chuyển sang bán hàng online thông qua việc thành lập hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội. Với hình thức bán hàng mới, công ty đang từng bước thích nghi qua việc tìm hiểu tâm lý khách hàng, cách thức marketing trên nền tảng số...
Thực tế, khâu tìm đầu ra cho sản phẩm đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng vẫn là bài toán khó trong những năm qua. Các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làm ra sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP hầu hết chỉ sản xuất, tập kết sản phẩm, thương lái đến tận nơi thu mua hàng nên thông tin thị trường còn rất yếu. Mặt khác, mẫu mã hàng hóa đơn điệu, không bắt mắt; thiếu kỹ năng marketing trong việc thâm nhập vào kênh siêu thị, giao dịch với đối tác lớn; không sử dụng được công nghệ thông tin hiện đại để giao nhận hàng, báo giá… Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại các dòng sản phẩm OCOP được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối chuyên sâu để tạo động lực cho các chủ thể OCOP tham khảo, vận dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh.
Tìm hướng đi mới
Chương trình OCOP ra đời từng bước khắc phục những nhược điểm trên, tạo một kênh riêng để sản phẩm OCOP thâm nhập sâu vào thị trường, đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm từ đó cũng nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường, giúp các chủ thể OCOP tìm kiếm thị trường và quảng bá, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP cần được sự trợ lực từ Nhà nước. Anh Phạm Ðình Ngãi, chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, để trụ vững và phát triển, buộc doanh nghiệp phải thích ứng. Sokfarm đã thực hiện tối ưu hóa dòng tiền, chủ động nguồn nguyên liệu và sẵn sàng chuyển sang hoạt động theo hướng “3 tại chỗ” nếu dịch bệnh căng thẳng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn ngành chức năng tổ chức nhiều hơn các buổi kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc sản, OCOP vùng miền theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của nhiều đơn vị thu mua, nhà phân phối. Bởi trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng phải bán được hàng mới có thể duy trì được hoạt động.
Anh Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trở thành xu thế tất yếu. Ðây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm đặc sản, OCOP lên sàn, các chủ thể OCOP, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nhà phân phối phải ngồi lại để đưa ra khung giá chung cho từng khu vực, vùng miền. Bởi khi lên sàn, nếu giá cả quá chênh lệch, khách hàng so sánh giá sản phẩm quá rẻ hay quá đắt đều khó bán. Mặt khác, người làm ra sản phẩm, chủ thể OCOP cũng nên đồng hành cùng nhà phân phối trong khâu quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng hiểu được bản chất, giá trị của các dòng sản phẩm OCOP.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ: Vừa qua, Chương trình Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức phân phối sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng. Ðơn cử, như “Ngày đặc sản Sơn La” (Sendo.vn), “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” (Sendo.vn), đẩy mạnh tiêu thụ hành tím Sóc Trăng, vải thiều Hải Dương (Voso.vn), Phiên chợ nông sản Việt trên (Sendo.vn)… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối các sàn thương mại điện tử để cùng đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ phân phối sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm địa phương... Ðặc biệt, các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên Gian hàng Việt trực tuyến còn được hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm, hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử (hỗ trợ chi phí chuyển phát và các giải pháp tài chính từ các đối tác…).
Bài, ảnh: MỸ THANH