|
  • :
  • :

Ðể giảm chi phí phân bón trong sản xuất lúa 

Chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản xuất lúa tại vùng ÐBSCL, nhất là trong bối cảnh giá các mặt hàng này tăng cao. Do vậy, việc chủ động thực hiện các giải pháp nhằm giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học trong sản xuất lúa là rất quan trọng để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa và góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật được ngành Nông nghiệp khuyến cáo như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái hay sử dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ… nông dân đã giảm mạnh chi phí tiền phân bón và thuốc BVTV.

Sau các vụ lúa nông dân không nên đốt rơm trên đồng mà cần thu gom rơm để phục vụ các mục đích sản xuất khác hoặc sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm nhằm tạo nguồn phân bón hữu cơ.

Giải pháp hiệu quả

Thời gian qua, nông dân trồng lúa TP Cần Thơ đã  liên kết với nhau hình thành các cánh đồng lớn (CÐL) để có điều kiện cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ðến nay, Cần Thơ đã thực hiện mô hình CÐL với tổng diện tích trên 30.000 ha/vụ. Cách làm này, không chỉ giúp nông dân nâng cao được lợi nhuận nhờ giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn ổn định được đầu ra sản phẩm nhờ có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Ðặc biệt, khi tham gia CÐL, nông dân có điều kiện gieo sạ tập trung, đồng loạt trên một cánh đồng giúp dễ quản lý sâu bệnh và áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật tiên tiến như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… để giảm chi phí tiền giống, phân bón, thuốc BVTV và công chăm sóc.

Theo ông Lưu Văn Ðình ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, nhờ tham gia CÐL và thực hiện các giải pháp sử dụng giống đạt cấp xác nhận để cây lúa khỏe mạnh ít sâu bệnh và giảm lượng sử dụng giống, phân bón và thuốc BVTV theo các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và  “1 phải, 5 giảm”… nông dân có thể giảm ít nhất từ 10-20% chi phí tiền phân bón và thuốc BVTV.

Hiện nay, nông dân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL chú trọng áp dụng giảm lượng sử dụng phân thuốc hóa học gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng các giải pháp bón phân vô cơ thông minh. Ðiển hình là sử dụng phân bón vô cơ ứng dụng công nghệ tan chậm kết hợp với thực hiện bón phân chôn vùi khi làm đất và gieo cấy lúa hay sử dụng phân bón vô cơ vi sinh để tạo thuận lợi cho cây lúa hấp thu, hạn chế thấp nhất lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường tự nhiên. Thông qua hỗ trợ, hướng dẫn của các đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn thuộc ngành Nông nghiệp, nông dân đã ứng dụng nấm Trichoderma và các loại chế phẩm vi sinh nói chung để xử lý rơm rạ, tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất lúa giúp giảm mạnh được lượng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV.

Theo ông Huỳnh Trung Thu ở xã Ða Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, được hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông đã ứng dụng giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh Emuniv để xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng giúp tạo nguồn phân bón hữu cơ nuôi dưỡng cây lúa trong vụ sản xuất tiếp theo. Qua 8 vụ thực hiện giải pháp này trên diện tích khoảng 15 héc-ta lúa đã cho thấy hiệu quả mang lại rất tốt, giúp nông dân có thể giảm mạnh lượng sử dụng các loại phân bón vô cơ từ hơn 50kg/công (1.000m2), xuống chỉ còn 35 kg/công. Toàn bộ rơm rạ trên đồng được xử lý bằng chế phẩm vi sinh đã giúp trả lại nguồn dinh dưỡng rất tốt cho đất, giúp ruộng lúa tốt, ít sâu bệnh, hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV. Từ đó, ruộng lúa cũng cho hạt gạo có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, gửi đi test không có dư lượng thuốc BVTV.

Cần phát huy, nhân rộng

Nông dân tại vùng ÐBSCL đang bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2021-2022. Vụ này, toàn vùng dự kiến gieo sạ 1,52 triệu héc-ta lúa. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, ngành Nông nghiệp các địa phương cần khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm. Chú ý các giải pháp bón phân vô cơ tiên tiến, sử dụng phân bón vô cơ vi sinh và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Hiện nước ta mỗi năm có hơn 150 triệu tấn các loại phụ phẩm trong nông nghiệp, đây là nguồn làm phân bón hữu cơ rất dồi dào, các địa phương cần tăng cường khai thác trên chính địa bàn của mình.

Thời gian qua, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với ngành chức năng tại nhiều địa phương trong nước hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tạo nguồn phân bón hữu cơ, trong đó có nhiều tỉnh vùng ÐBSCL như An Giang, Long An… Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp thuộc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Qua các mô hình cho thấy, kết quả giảm phân bón hóa học từ 30-50%, tùy liều lượng rơm rạ trên đồng. Khả năng giảm phân bón tới 50% là rất tốt nếu các mô hình để lại 100% rơm rạ tại ruộng, không lấy đi hoặc đốt đồng. Về thuốc BVTV cũng giảm được từ 30-50%, thậm chí trên 50%”. Hiện nước ta có nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa rất lớn, với khoảng 40-44 triệu tấn/năm. Bên cạnh một lượng rơm rạ được thu gom để phục vụ chăn nuôi và các hoạt động sản xuất, hiện vẫn còn một lượng rơm ra bị người dân đem đốt sau các vụ thu hoạch lúa. Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, nông dân nên loại bỏ tập quán đốt đồng gây lãng phí rơm rạ và tác động xấu cho môi trường. Thay vào đó, cần xử lý rơm rạ để tạo nguồn phân bón hữu cơ. Với việc sử dụng chế phẩm vi sinh, nông dân có thể xử lý rơm rạ một cách nhanh chóng chỉ trong thời gian khoảng 10-15 ngày sau thu hoạch lúa, thậm chí ít hơn.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/-e-giam-chi-phi-phan-bon-trong-san-xuat-lua-a141185.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin